Xây trung tâm hạt nhân ở HN để "tận dụng nhân lực"

  •  
  • 1.080

Trung tâm KH-CN hạt nhân sẽ hỗ trợ Khoa học kỹ thuật công nghệ cho việc thực hiện các dự án hạt nhân nói chung, và nhà máy ĐHN nói riêng; tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân chuyển giao về Việt Nam (lò phản ứng, nhiên liệu, xử lý chất thải, phóng xạ).

Đang băn khoăn chọn địa điểm nào ở Hà Nội

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, ông Vương Hữu Tấn, hiện tại về địa điểm của trung tâm đang nằm trong nghiên cứu, đề xuất. Tất cả công việc đang ở mức khởi điểm.

Trong 3 địa điểm Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, tại hầu hết các cuộc họp, buổi hội nghị, các nhà khoa học đưa ra quan điểm nên đặt trung tâm ở gần Hà Nội. Theo các nhà khoa học, vị trí này sẽ đáp ứng đầy đủ điều kiện, nhất là tận dụng nguồn nhân lực sẵn có tại Viện NLNT Việt Nam.


Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (Viện KHCN Việt Nam) ủng hộ: “Xây dựng gần Hà Nội mới thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, thực tế rất ít người chịu đi xa, và tới những nơi không đủ điều kiện cơ sở vật chất để làm việc. Không chỉ Liên Xô, mà ở Pháp và nhiều nước lớn trên thế giới họ cũng xây dựng Viện nghiên cứu hoặc Trung tâm ngay ở Thủ Đô và rất thành công”.

Do đó, các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, Trung tâm KH-CN hạt nhân càng gần Hà Nội càng tốt, ít nhất cũng ở Khu CNC Hòa Lạc, hay gần khu ĐH Quốc gia Hà Nội thuận lợi cho sự phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất vẫn là địa điểm, ở đâu cho tốt về các điều kiện vật chất, thủy văn, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực đang có như thế nào?” - Ông Tấn băn khoăn.

Không ảnh hưởng tới đời sống người dân

Về vấn đề an toàn, các nhà quản lý và khoa học khẳng định xây trung tâm ở Hà Nội không ảnh hưởng gì tới đời sống người dân.

GS Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Chúng ta từng thấy nhiều bài học ở các nước trên thế giới, điển hình là Liên Xô, họ đã từng sai lầm khi xây dựng Viện nghiên cứu hạt nhân cách Mạc Tư Khoa hơn 100km, sau đó họ quyết định xây dựng Viện nguyên tử ngay tại trung tâm Mạc Tư Khoa, đầu tư tới 6 lò phản ứng mà vẫn không ảnh hưởng tới người dân”.

GS Cao Chi cũng cho rằng, xây dựng trung tâm trong thành phố lớn không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đây là trung tâm nghiên cứu, đào tạo, nên không có những chất phóng xạ gây hậu quả.

Thực tế, tại Việt Nam, lò Đà Lạt nằm giữa trung tâm Đà Lạt chưa thấy có ảnh hưởng, lò này vẫn đang hoạt động. Trung tâm KH-CN hạt nhân sẽ nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau, nên trung tâm ở Đà Lạt sẽ rất hạn chế. Vì thế không để trung tâm ở Đà Lạt. Quan trọng nhất là có con người khai thác hiệu quả nhất, nếu không sẽ lãng phí” - ông Tấn nói.

Dự kiến, năm 2011 dự án sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bee
  • 1.080