Xót xa nghiệp nuôi gà

  •  
  • 632

Đó là tâm trạng của chúng tôi khi gặp gỡ những người chăn nuôi gia cầm tại hai xã thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương), nơi vừa có công bố dịch.

Chồng chất nợ nần

Bắt gà đem tiêu hủy tại một hộ dân ở xã Chí Minh (Hải Dương)

12g30 ngày 11-11, một ngày sau khi Hải Dương công bố dịch tại năm xã, gia đình ông Dương Văn Đăng (thôn Nẻo, xã Chí Minh, huyện Chí Linh) vẫn chưa ăn cơm trưa. “Không còn bụng dạ nào ăn nữa”
- ông Đăng nói. Ông cùng các con đang ngồi thừ trong nhà, chờ cán bộ xã đến đem 6.000 con gà của ba người con trai đi tiêu hủy. Bà vợ ông Đăng đi ăn cưới bên hàng xóm, hay tin buổi trưa xã sẽ tiêu hủy đàn gà của các con, vội vã buông bát chạy về, vẻ mặt thiểu não.

20 năm sống nhờ chăn nuôi gà, bảy người con của ông Đăng lớn lên nhờ gà. Cả bảy người, trong đó có ba người đang sống cùng ông bà, tiếp nối nghiệp chăn nuôi gia cầm của cha mẹ. Gia đình ông Đăng được xem là một trong những hộ gia đình chăn nuôi gia cầm lớn nhất của huyện Chí Linh.

Tính riêng vụ này, bảy người con ông Đăng nuôi tổng cộng trên 10.000 con gà. Tất cả số gà này đều phải tiêu hủy trong chiều 11-11. Nợ nần của vụ dịch năm ngoái chưa trả hết, nay lại chồng thêm số nợ mới, ước tính lên đến hơn 200 triệu đồng mà chưa biết sẽ xoay xở trả nợ bằng cách nào.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, phó bí thư xã Chí Minh, toàn xã có trên 15.000 con gia cầm. Trong ngày 11-11, xã tiêu hủy hơn 10.000 con và dự kiến sẽ tiêu hủy hết toàn bộ gia cầm trong những ngày tới. Đi quanh các thôn trong xã, đâu đâu cũng thấy tiếng loa phát thanh thông báo về tình hình dịch và kế hoạch tiêu hủy gia cầm. Ở cổng vào các thôn, bảng thông báo khu vực dịch cúm gà cũng được đặt lên để cảnh báo người dân.

Sống với nỗi lo dịch bệnh

Khác với xã Chí Minh, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở xã Cộng Hòa (Chí Linh) chủ yếu trên đàn thủy cầm. Chưa biết nguồn lây lan dịch từ đâu, chỉ biết xã Cộng Hòa nằm trên đường vận chuyển gia cầm từ Yên Dũng (nơi đã bùng phát dịch của tỉnh Bắc Giang) đi Quảng Ninh, Hải Phòng.

Khi chúng tôi có mặt tại gia đình bà Bùi Thị Dĩ (thôn Cầu Dòng), nỗi tiếc nuối dường như vẫn còn nguyên trên khuôn mặt người đàn bà này. Gia đình bà nuôi 350 con vịt thịt, ước tính nếu bán cũng được 20.000 đồng/con. Chưa kịp bán thì số vịt trong đàn lần lượt lăn ra chết như ngả rạ. Trước ngày Hải Dương công bố dịch, toàn bộ số vịt của gia đình bà Dĩ đã được tiêu hủy. Bà Dĩ chưa biết gì về tiền hỗ trợ tiêu hủy, chỉ tính sơ sơ đã thấy nợ tiền giống và tiền thức ăn ngót nghét chục triệu đồng.

Nỗi buồn của bà Dĩ càng dày thêm khi hay tin 150 con vịt nuôi lấy trứng của cậu con trai cũng bị tiêu hủy vì có con trong đàn chết do nhiễm bệnh cúm. Số vịt này đã đến tuổi đẻ từ đầu tháng mười một, mặc dù đã được tiêm văcxin nhưng vẫn cứ lăn ra chết. Từ hôm vịt bị tiêu hủy, cậu con trai của bà buồn bã chẳng thiết làm gì.

Nếu gia đình bà Dĩ tiếc nuối về số vịt bị tiêu hủy thì gia đình chị Đỗ Thị Tín (thôn Chí Nghĩa 1, xã Cộng Hòa) lại sống trong nỗi lo âu về sự lây lan của dịch bệnh. Đàn vịt 500 con của nhà chị Tín chưa phát hiện con nào nhiễm bệnh, nếu suôn sẻ cũng lãi khoảng 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ hôm xã có dịch, số vịt đang khoanh chuồng nuôi ngoài đồng không bị tiêu hủy mà buộc phải lùa về sống chung với người trong khu nhà của gia đình chị. 500 con vịt, con nào con nấy béo múp míp, mỗi con nặng khoảng 2kg, được nhốt vào một góc đầu hồi nhà. Do không tự kiếm ăn được nên mỗi ngày chúng “ăn” của chị 450.000 đồng tiền thóc và thải ra một đống phân nhưng không có nước tẩy rửa nên bốc mùi hôi rình. Lo vì không tiêu thụ được vịt đã đành, chị Tín càng sợ hơn nếu vịt nhiễm bệnh, không may lây sang người.

Giống như tất cả các hộ chăn nuôi gia cầm khác trong huyện, gia đình chị Tín đang phải đối mặt với món nợ tiền triệu từ việc trả chậm khi mua con giống và mua thức ăn. Chị Tín nói: “Tình hình dịch bệnh thế này, có bán cũng chẳng ai mua. Vụ này coi như cầm chắc lỗ, chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ phần nào để bớt gánh nặng nợ nần thôi”.

KHIẾT HƯNG

Theo Tuổi trẻ Online
  • 632