Xuất hiện hố băng lớn nhất từ trước đến nay ở phía đông Nam Cực

  •  
  • 1.931

Đây là hố băng có diện tích lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay. Hố băng xuất hiện cho thấy, một lượng lớn băng đã tan ra và đẩy mực nước biển toàn cầu dâng cao trong tương lai.

Hố băng mới phát hiện nằm trong thềm băng King Baudoin của bờ đông châu Nam Cực. Hố băng này không phải mới, nó được quan sát thấy qua hình ảnh vệ tinh từ năm 1989, nhưng lần phát hiện này gây ngạc nhiên bởi kích thước quá lớn của nó.

Nhiều ý kiến cho rằng, một thiên thạch đã đâm vào khu vực này hồi năm 2004, nhưng các nhà khoa học không nghĩ vậy. Họ cho rằng, có thể những tầng băng ngầm bên dưới đã tan chảy, khiến lớp băng trên bề mặt bị sụt lún, hình thành một hố băng rộng như thế.

Một hố rộng 2km tạo thành một hồ nước trên bề mặt tảng băng ở đông châu Nam Cực.
Một hố rộng 2km tạo thành một hồ nước trên bề mặt tảng băng ở đông châu Nam Cực. Trong đây có những dòng chảy nước lỏng. (Ảnh: Sanne Bosteels).

Nhà khoa học Stef Lhermitte cùng nhóm nghiên cứu của mình phát hiện rằng, miệng hố đã dịch chuyển đi một khoảng 400km so với vị trí ban đầu khi được phát hiện. Nhóm của Lhermitte là nhóm người đầu tiên đến thăm dò thực tế miệng hố này.

Theo quan sát ban đầu, hố băng sâu khoảng 3m. Bên trong có ba khe chảy dọc nằm song song nhau và hợp thành hai dòng sông băng ở khu vực trung tâm hố băng.

"Nhìn vào hố băng, chúng ta có thể nghĩ ngay đây là một hồ nước bị sụp xuống. Trên hồ còn có những dòng sông băng vẫn đang chảy, điều này cho thấy bên dưới nó đã bị tan chảy", Lhermitte cho biết.

Vấn đề là những dòng chảy như thế này chưa từng được nhìn thấy trong các thềm băng ở đông Nam Cực trước đây. Những dòng chảy này chỉ xuất hiện ở Greenland trong khi ở Nam Cực quá lạnh để có thể xuất hiện những dòng chảy.

"Đây là bất ngờ lớn. Chúng tôi chưa từng thấy những dòng chảy với nước chảy đều trên những tảng băng lạnh giá quanh năm", Lhermitte giải thích thêm, và cho biết việc những dòng chảy xuất hiện ở Nam Cực là một điều bất thường.

Hiện nhóm nghiên cứu của Lhermitte bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân tại sao những dòng chảy nước lỏng lại có thể xuất hiện ở một khu vực quanh năm đóng băng. Theo họ, có thể đây là hậu quả của việc nóng lên toàn cầu.

Những cơn gió katabatic thổi mạnh, theo hướng từ trung tâm của thềm băng King Baudoin thổi về hướng hố băng với tốc độ 35km/giờ. Những luồng gió này mang không khí ấm, khô, khiến bề mặt băng tan chảy.

Một hồ nước lỏng khác nằm giữa hồ trên bề mặt và tầng băng bên dưới.
Một hồ nước lỏng khác nằm giữa hồ trên bề mặt và tầng băng bên dưới. (Ảnh: Stef Lhermitte).

Khi bề mặt tan đi một phần, lớp băng trở nên mỏng hơn khiến những tầng băng bên dưới vốn quanh năm chìm trong bóng tối, được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tan từ bên trong, sụp đổ, tạo thành một hồ nước rộng trên bề mặt.

"Khi bề mặt tạo thành một hồ nước lớn sẽ tăng áp lực bề mặt lên phần bên dưới và khiến các tầng bên dưới tiếp tục tan chảy ra thành nước", nhà khoa học Jan Lenaerts, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng ta phải nhanh chóng tìm ra được nguyên nhân tạo thành miệng hố, phải chắc chắn rằng nó không phải là một hố được gây ra bởi thiên thạch, mà được gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu. Nhằm tăng nhận thức của con người về biến đổi khí hậu".

Khi nhóm nghiên cứu khoan sâu xuống bên dưới hồ, họ phát hiện một hồ nước khác nằm giữa hồ nước bề mặt và các tầng băng bên dưới. Điều này cho thấy, một khu vực băng ở giữa đã tan chảy và tạo thành vùng không gian nước lỏng.

"Một lượng rất lớn nước lỏng đang bị giữ bên trong những tảng băng ở Nam Cực. Nếu tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra theo chiều hướng xấu đi, những lớp băng bên ngoài sẽ tan chảy làm mực nước biển trên toàn cầu đột ngột tăng cao, đe dọa hàng triệu người sinh sống tại các vùng ven biển", Lenaerts cho biết trong một thông cáo báo chí.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change.

Cập nhật: 14/12/2016 Theo khampha
  • 1.931