Xuồng cứu nạn Việt Nam

  •  
  • 202

ST1200CN - xuồng cứu nạn kiêm đổ bộ của Công ty 198 (Bộ Quốc phòng) - được thiết kế đặc biệt thuận lợi cho việc cứu nạn trên biển, sông, hồ và các vùng nước nông mà các tàu khác không hoạt động được.

(Ảnh minh họa: VNE)Với dạng tuyến hình đặc biệt, ST1200CN có khả năng cưỡi sóng tốt với tính ổn định cao ở trạng thái tĩnh cũng như trạng thái lướt. Tính quay trở và hoạt động được trong các điều kiện thời tiết sóng gió khắc nghiệt, chịu được sóng gió tốt ở ngoài khơi cũng như gần bờ.

Đáy và mạn xuồng được phun đầy bọt xốp cứng Polyurethane tạo sức nổi dự trữ và tạo kết cấu vỏ hai lớp bảo vệ (thủng lớp vỏ ngoài nước vẫn không vào được trong xuồng và xuồng không bị chìm khi bị ngập nước).

Trong quá trình khai thác, ST1200CN đã được lực lượng cứu hộ cứu nạn sử dụng cứu hộ, cứu nạn trong những lần bão lũ gần đây và đã thể hiện được khả năng cứu nạn tuyệt vời của mình.

ST1200CN có thể ở chế độ lướt với tốc độ cao nhất trong điều kiện sóng cấp 3, chịu được sóng biển cấp 5, cấp 6 và có thể cập bến ở độ sâu mớn nước phía đuôi xuồng 0,5m.

Phó Giám đốc Công ty 198 Nguyễn Văn Điệu cho biết, ca bin lái ST1200CN có thể gập xuống được nhờ hệ thống bản lề và tời kéo đồng bộ và khi tháo rời các thiết bị trên ca bin thì độ cao xuồng từ mặt nước không quá 1,8m, rất thuận tiện khi xuồng phải hoạt động trong vùng sông rạch, hồ và phải chui qua cầu có độ cao thấp. Bên cạnh đó, xuồng được thiết kế để cập bờ tốt trong điều kiện sóng vỗ bờ cao và trong các vùng nước cạn.

Xuồng cứu hộ này được nội địa hóa 100% nhưng chất lượng theo đánh giá không hề kém các sản phẩm ngoại nhập. Một trong những ưu điểm của ST1200CN là phía trước mũi xuồng có thiết kế cầu dẫn đóng mở nhờ hệ thống thủy lực, sẵn sàng mở ra để cứu vớt nạn nhân rất thuận tiện và chuyển hàng hóa từ trên bờ xuống tàu hoặc từ trên tàu lên bờ an toàn.

“Trong quá trình cứu nạn, sức chứa của xuồng bảo đảm cho 35 đến 40 người trú nạn”, ông Điệu cho biết thêm.

Theo Khoa học và phát triển, VNE
  • 202