Ngày 10 tháng 12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế (cũng gọi là Ngày Quốc tế Nhân quyền), là ngày được Liên Hợp Quốc công bố là ngày lễ quốc tế được các nước trên thế giới kỷ niệm.
10/12 - Ngày Nhân quyền Quốc tế
Ngày 10 tháng 12 năm 1948 Liên Hợp Quốc công bố Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, đã đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền lịch sử tại Paris, Pháp. Bản Tuyên ngôn này là nền tảng cho Bộ luật Nhân quyền Quốc tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1966 là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Ngày 4 tháng 12 năm 1950, trong phiên họp toàn thể lần thứ 317, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết A/RES/423 chính thức công nhận ngày 10 tháng 12 hằng năm là "Ngày Nhân Quyền" (Human Rights Day). Trong những năm gần đây, Liên Hiệp Quốc còn chọn chủ đề cho ngày Nhân quyền trong mỗi năm.
Các tổ chức nhân quyền như Tổ chức Ân xá Quốc tế xem ngày này hàng năm như một cơ hội để xem xét tình hình nhân quyền trên toàn thế giới và đúc kết tình hình hiện tại.
Nghị viện châu Âu mỗi năm vào ngày này tổ chức lễ trao Giải thưởng Sakharov, các tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao Giải thưởng Nhân quyền của họ.
Cũng như mọi khi, năm 2015 này Liên Hiệp Quốc đã phát động kêu gọi các quốc gia phải họat động tích cực hơn nữa nhằm "Xóa Bỏ Nạn Nghèo Đói" (Eradicate Poverty). Đồng thời cũng nêu cao khẩu hiện ngắn gọn chỉ gồm có 5 chữ này "Our Rights, Our Freedoms. Always". Tổng Thư Ký Ban Ki Moon đã tuyên bố rằng: "Nhân Ngày Nhân Quyền, chúng ta hãy tái cam kết bảo đảm những Quyền Tự Do Căn Bản và Bảo Vệ Nhân Quyền của tất cả mọi người" (On Human Rights Day, let's Recommit to Guaranteeing the Fundamental Freedoms and Protecting Human Rights of All).