100 tỷ đồng để phát triển các khu bảo tồn biển

Bộ Thủy sản sẽ triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2006-2015 với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng để phát triển các khu bảo tồn biển, TS. Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, cho biết.

5 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Điều tra về đa dạng sinh học và các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan khi phát triển các khu bảo tồn; cải thiện khả năng nghiên cứu nhằm quản lý hiệu quả các khu bảo tồn; nâng cao nhận thức; cải thiện đời sống cho người dân ở trong và ngoài các khu bảo tồn; chương trình tài chính bền vững để quản lý các khu bảo tồn là những chương trình được chú trọng trong thời gian tới.


Côn Đảo - một trong 15 khu bảo tồn biển của Việt Nam.

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển các khu bảo tồn là đến 2013, nước ta có một hệ thống khu bảo tồn biển quốc gia, hoạt động có hiệu quả.

Trong đó, có 15 khu bảo tồn nằm trong kế hoạch phát triển đến 2015 là đảo Trần, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Bà, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Hòn Mê (Thanh Hoá); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Sơn Trà - Hải Vân (Thừa Thiên Huế); Cù Lao Chàm (Quảng Nam); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Hòn Mun, Nam Yết (Khánh Hoà); Hòn Cau, Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Hiện Bộ Thủy sản đang chuẩn bị ra chỉ thị yêu cầu nghiêm cấm đánh bắt ở khu vực 15 khu vực bảo tồn trên, song, ông Hồi cho rằng, hiệu lực của văn bản này còn phải được xem xét, bởi Việt Nam có tới 1 triệu ngư dân đang sống ven biển và phụ thuộc vào nguồn lợi biển.

Trên thực tế, Bộ đã khoanh vùng khu vực nào không được phép đánh bắt như ở Cù Lao Chàm, Hòn Mun (Nha Trang)... Song, tại Hạ Long (Quảng Ninh), việc nuôi cá lồng bè, đánh bắt vẫn xảy ra ngay tại khu vực này. Do vậy, ngoài việc chuyển khu nuôi lòng bè ra khỏi vịnh, cần tạo điều kiện để người dân trong và ngoài khu bảo tồn có thu nhập.

TS. Nguyễn Chu Hồi nói, các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác đang tác động tiêu cực sự đến phát triển nghề cá bền vững, dẫn tới suy thoái môi trường biển, cạn kiệt nguồn lợi và mất tính đa dạng sinh học, sinh thái biển. Trong đó, 70% là do tác động từ các hoạt động ven bờ như đánh bắt (khai thác gần bờ hoặc khai thác đến cạn kiệt nguồn lợi), du lịch, ô nhiễm do khai thác mỏ, giao thông đường biển...

Do vậy, đây cũng là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo Phát triển nghề cá bền vững, diễn ra từ 15-17/2 tại Hà Nội, có sự góp mặt của các đại biểu đến từ Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc...

Hội thảo là một hình thức hưởng ứng trực tiếp đến tuyên bố của các Bộ trưởng APEC về nghề cá và đại dương, với mục tiêu tối đa hóa lợi ích kinh tế từ sự bền vững của nguồn lợi thủy sản cho lợi ích chung của tất cả các thành viên. Đây cũng là một trong những hoạt động đầu tiên của trong tháng khởi động năm APEC Việt Nam 2006.

Hà Yên

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video