Cuối năm 2011, máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới, LHC (Large Hadron Collider), sẽ tạm ngừng hoạt động trong vòng 1 năm để sửa chữa những lỗi kỹ thuật trong quá trình chế tạo thiết bị khổng lồ này.
Những lỗi kỹ thuật sẽ ngăn cản máy gia tốc đạt tới năng lượng tối đa 14 TeV trong vòng 2 năm tới. Ảnh: Telegraph. |
Tiến sĩ Steve Myers, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) – cơ quan sở hữu máy giá tốc LHC, cho biết thiết bị này sẽ ngừng hoạt động để sửa chữa vào cuối năm 2011.
Máy gia tốc LHC dự kiến sẽ đạt tới năng lượng kỷ lục thế giới vào cuối tháng này với chùm hạt proton 7 TeV trong nỗ lực của các nhà khoa học nhằm tái tạo vụ nổ Big Bang. Tuy nhiên, Tiến sĩ Myers cho rằng những lỗi kỹ thuật sẽ ngăn cản máy gia tốc đạt tới năng lượng tối đa 14 TeV trong vòng 2 năm tới.
Máy gia tốc LHC bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2008, nhưng chỉ 9 ngày sau khi hoạt động, cỗ máy trị giá 5 tỷ bảng này đã gặp sự cố do hệ thống kết nối điện không ổn định. Hậu quả, 53 trong tổng số 1.624 nam châm khổng lồ (chiều dài khoảng 15m) của cỗ máy này đã bị hỏng và phải thay thế.
Sau đó vào tháng 9/2009, máy gia tốc LHC tiếp tục gặp một trục trặc khác gây ra bởi một mẩu bánh mỳ do một chú chim đã đánh rơi lên trên phần lộ thiên của nó. Điều này đã khiến những nam châm siêu dẫn bị đốt nóng quá 1,90K (đến khoảng 80K), gần giới hạn mà nam châm ngừng khả năng siêu dẫn.
LHC là cỗ máy khổng lồ với chu vi 27km, ở độ sâu 100m dưới lòng đất gần Geneva, Thụy Sĩ. Mục đích của máy gia tốc hạt này là dò tìm các hạt Higg, được xem là các hạt vật chất nhỏ nhất và các hạt phản vật chất.