Một nghiên cứu mới đây cho biết gần 269.000 tấn nhựa ô nhiễm đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới, nghiêm trọng hơn 10 lần so với ước tính trước đó.
Theo nhóm nghiên cứu đến từ Viện Five Gyres của Mỹ, nhựa ô nhiễm có mặt khắp các đại dương, nhưng thế giới thiếu dữ liệu về chúng - nhất là tại khu vực Nam bán cầu và những nơi xa xôi.
Để ước tính chính xác hơn tổng số mẩu nhựa và trọng lượng của chúng trên các đại dương, nhóm này đã sử dụng dữ liệu từ 24 cuộc thám hiểm trong sáu năm qua trên các đại dương, ven biển Úc, Vịnh Bengal và biển Địa Trung Hải.
Theo nghiên cứu mới đây, 269.000 tấn nhựa ô nhiễm đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới, gây tổn hại cho toàn bộ chuỗi thức ăn - (Ảnh: Alamy)
Họ phát hiện có đến 5,25 nghìn tỉ mẩu nhựa đang trôi nổi trên các đại dương, với gần 75% trong số này có nguồn gốc từ các vật thể lớn bằng nhựa như phao, xô và các ngư cụ khác.
Quy ra khối lượng thì số nhựa này tương đương 269.000 tấn, con số mà các nhà nghiên cứu nói là "ước tính tối thiểu", tức con số thực tế còn cao gấp nhiều lần, và chúng đã và đang gây ra nhiều nguy cơ cho toàn bộ hệ sinh thái biển.
Theo National Geographic, các chất thải hàng ngày từ túi nhựa đến vỏ chai nước suối, đã bị vứt xuống các đại dương trong nhiều thập kỷ qua. Phần lớn chúng sau đó dạt vào bờ biển hoặc "định cư" ở một trong các vòng xoáy cận nhiệt đới đại dương - một hệ thống lớn gồm các dòng chảy được hình thành bởi các mô hình gió toàn cầu.
Các vật thể này sau đó bị phân rã thành những hạt nhỏ li ti, đe dọa đến sự sống của nhiều động vật biển - từ loài không xương sống nhỏ bé đến loài hữu nhũ to lớn, nếu chúng nuốt phải. Con người cũng sẽ bị ảnh hưởng khi ăn cá bị nhiễm độc nhựa.
Nghiên cứu được công bố hôm 10/12 trên tạp chí PLOS One.