30 phút đấu trí với Google của chàng trai Việt

Nở nụ cười tươi với danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, Lê Yên Thanh cho biết, cậu là một trong ba thành viên sẽ đến Google thực tập vào tháng 6 tới.

Tôi hẹn gặp Lê Yên Thanh trong dịp chàng trai nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu tại Hà Nội. Dù trải qua một ngày dài với nhiều hoạt động cùng đoàn, chàng trai vẫn giữ trên môi nụ cười tươi và tính cách thân thiện của người con miền sông nước Cửu Long.

Cách đây không lâu, trong một bài phỏng vấn, nam sinh khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) - Lê Yên Thanh - chia sẻ bản thân ấp ủ nhiều hoài bão và khẳng định sẽ hiện thực hóa những ý tưởng này. Một trong số đó là sưu tầm thêm giải thưởng, tìm kiếm cơ hội làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn nước ngoài.

Nói là làm, 3 năm sau khi đề ra mục tiêu cho mình, chàng trai sinh năm 1994 đã phần nào chứng minh ước mơ trên không mơ hồ, hoàn toàn có thể thực hiện.


Cố gắng vươn tới "gã khổng lồ" công nghệ

Ngoài thành tích là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn vừa qua, Yên Thanh cũng xây dựng cho mình một gia tài lớn các sản phẩm công nghệ hữu ích như phần mềm quản lý học sinh, tuyển sinh trong trường...

Trong đó, nổi bật là chương trình Busmap - xe bus thành phố với hơn 70.000 lượt sử dụng. Sản phẩm này đem về cho chàng trai giải nhất cuộc thi Tin học trẻ TP HCM 2013.

Chủ nhân của các sản phẩm trên hiện cũng là thành viên đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng chung kết cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2016 và là một trong ba bạn trẻ được chọn tới Google thực tập vào tháng 6 năm nay.

Không giấu nổi niềm vui khi chia sẻ về điều này, Yên Thanh cho biết, đây là mục tiêu trọng điểm chàng trai đặt ra từ những năm đầu đại học.

Để vươn tới công ty được mệnh danh "gã khổng lồ" trong làng công nghệ thế giới, chàng trai quê An Giang đã trang bị cho bản thân khối kiến thức, cùng không ít kinh nghiệm ngay từ khi đặt chân vào cổng trường đại học.

Bên cạnh kiến thức về lập trình, Yên Thanh tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh và khả năng tư duy nhạy bén trong mọi lĩnh vực.

Kể về quá trình được Google nhận thực tập, Thanh cho hay, cậu tìm hiểu kinh nghiệm xin thực tập từ anh chị đi trước. Mọi thủ tục đều được chú trọng ngay từ việc gửi hồ sơ giới thiệu bản thân.

"Hồ sơ gửi tới Google của mình chỉ bao gồm bản CV (sơ yếu lý lịch). Do nhà tuyển dụng thường đọc lướt thông tin trong đó nên ngoài tên, tuổi, mình chú trọng liệt kê những thành tích nổi bật nhất lên trên, sau đó mới đến thành tích phụ" - Thanh tiết lộ.

Sau khi hồ sơ được duyệt, chàng trai tiếp tục trải qua vòng phỏng vấn online kéo dài 45 phút với chuyên gia của Google.

Nhắc tới màn "hại não" này, Yên Thanh kể, sau khi chào hỏi, giới thiệu tên, nhà tuyển dụng bắt đầu đi thẳng vào phần kiểm tra trình độ. Trong 30 phút đầu, đại diện Google đưa ra những câu hỏi xoáy sâu vào lĩnh vực ứng viên đã đăng ký từ trước.

Các câu hỏi Thanh nhận được tập trung phần thuật toán và lý thuyết để thể hiện khả năng tư duy logic, tầm hiểu biết về máy tính, tin học...

"Đã trang bị rất nhiều kiến thức liên quan, nhưng mình khá bất ngờ trước nhiều câu hỏi từ Google. Đa số nằm ngoài phần chuẩn bị của mình", Thanh nhớ lại.

Bên cạnh việc kiểm tra trình độ, kiến thức, nhà tuyển dụng cũng chú trọng phong thái tự tin, phản xạ nhạy bén của ứng viên khi trả lời câu hỏi.

"Sau khi hoàn thành các câu hỏi liên quan chuyên môn, đại diện Google muốn biết mình sẽ chọn thực tập tại nơi nào trong các văn phòng của họ. Không suy nghĩ gì, mình hỏi lại rằng: 'Có phải tôi đã được chọn hay không?'. Họ khá bất ngờ và bật cười trước câu trả lời của mình" - Thanh nói.

Chàng trai tiết lộ thêm, sau khi vượt qua vòng phỏng vấn online, ứng viên sẽ trải qua tiếp một vòng phỏng vấn điện thoại trực tiếp. Tiêu chí của vòng này là để Google kiểm tra thêm một lần kỹ năng giao tiếp bằng Tiếng Anh của ứng viên, trước khi quyết định cấp visa và gửi thư chúc mừng.


Vươn lên từ chính mình, từ chối nhiều cơ hội hấp dẫn

Nuôi dưỡng trong mình những hoài bão lớn, không khó hiểu khi Thanh nói về hành trình đến với công nghệ thông tin của mình.

Năm lớp 3, Thanh được gia đình tạo điều kiện tiếp xúc máy tính. Ban đầu là điện tử, nhưng không ham mê với những trò chơi này, cậu bé ngày nào dần tò mò về cấu hình hoạt động của máy. Để giải đáp những thắc mắc, chàng trai sinh năm 1994 bắt đầu mày mò, kiếm các tài liệu trên mạng và tìm hiểu về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng từ những bộ phim khoa học là yếu tố thôi thúc niềm đam mê của Yên Thanh với máy tính. Trong đầu chàng trai luôn mong muốn khám phá, nghiên cứu các phần mềm có tính ứng dụng cao với đời sống hàng ngày. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao những chương trình, phần mềm của Thanh đều lấy ý tưởng từ thực tế.

Với sự hiếu học, từ thời trung học, Thanh tự viết những chương trình riêng cho trường. Chia sẻ về một kỷ niệm vui, Thanh cho biết, cậu từng tạo một phần mềm quản lý nề nếp học sinh liệt kê thứ hạng hàng tuần các lớp, thống kê vi phạm và xếp hạnh kiểm cho từng bạn.

"Danh sách học sinh vi phạm đều được ghi lại trong phần mềm. Ngày đó, do sợ đám bạn nên mình không dám nói với ai là tác giả của phần mềm này" - 9X chia sẻ.

Nhằm nuôi dưỡng ước mơ của mình, từ năm thứ hai đại học, Yên Thanh đã chú trọng tích lũy kinh nghiệm thực tế. Ngoài giờ học trên lớp, chàng trai chủ động xin thực tập tại các công ty phần mềm lớn khu vực phía Nam.

Tới năm thứ ba, 9X có dịp thực tập lập trình cho ứng dụng Zalo, (một trong những sản phẩm của Công ty Cổ phần VNG, được bình chọn là ứng dụng di động sáng tạo nhất Châu Á trên Techinasia năm 2013).

"Ngoài đem lại những kinh nghiệm hữu ích, hiểu sâu lý thuyết, việc đi thực tập sớm cũng giúp mình quen biết nhiều anh chị đi trước. Họ luôn sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ trước bất cứ khó khăn nào, cũng như giới thiệu cho mình những cơ hội làm việc hấp dẫn từ nhiều nơi trên thế giới" - Yên Thanh chia sẻ.

Cũng từ đây, ham muốn làm việc tại các tập đoàn, công ty lớn nước ngoài ngày càng trở nên quyết liệt. Sau một số khóa thực tập, chàng trai nhận được lời mời làm việc từ các công ty trong nước. Tuy nhiên, do bản thân thích khám phá cùng mong muốn thử sức trước những trải nghiệm mới lạ, chàng trai nói lời từ chối và tìm kiếm những thử thách tầm cỡ quốc tế.

Chia sẻ về cảm giác trong những ngày này, Yên Thanh cho biết, khá vui mừng và háo hức chờ tới ngày thực tập tại thung lũng Silicon.

"Có lẽ sẽ là một trải nghiệm rất thú vị. Mình mong muốn học hỏi nhiều hơn tại công ty công nghệ này. Trước mắt, mình thực tập tại Google như dự định từ trước đó. Còn mọi chuyện của tương lai, hãy cứ để tương lai quyết định" - chàng trai bộc bạch.

Trong những năm cấp ba, Yên Thanh liên tiếp sưu tầm cho mình hàng chục giải thưởng lớn nhỏ cấp tỉnh và quốc gia, liên quan lĩnh vực tin học.

Suốt thời sinh viên, 9X không ngừng tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước.

Tính đến nay, Thanh đã có cho mình bộ sưu tập gần 100 giải thưởng, huy chương. Để lưu giữ những thành tích này, 9X tự thiết kế cho mình một phần mềm tích hợp giải thưởng sau mỗi mốc quan trọng.

Bên cạnh đó, chàng trai này còn là "hạt giống" trong các chương trình thiện nguyện đa quốc gia như Giao lưu Thanh niên Sinh viên Asian - Nhật Bản, hoạt động tình nguyện cùng sinh viên ĐHQG Pukyong Hàn Quốc, ủy viên BCH Đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM)...

Cập nhật: 29/03/2016 Theo Zing.vn
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video