5 nhà khoa học nữ U70 nhận giải thưởng Kovalevskaia

Gần 70 tuổi, những nhà khoa học nữ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vẫn thức thâu đêm để làm nghiên cứu, vẫn tham gia giảng dạy và đào tạo ở nhiều đại học.

Nhóm nhà khoa học nữ Trần Kim Anh, Vũ Thị Bích, Phạm Thu Nga, Trần Hồng Nhung và Nguyễn Phương Tùng đều là phó giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với cụm công trình nghiên cứu cơ bản định lý ứng dụng khoa học và công nghệ nano, nhóm đã đạt được rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Kovalevskaia năm 2016 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng tối 7/3.

"Kovalevskaia 2016 không phải là giải thưởng đầu tiên chúng tôi nhận được nhưng rất cao quý, tôn vinh những đóng góp của nhóm chúng tôi trong sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Giải thưởng là nguồn động viên lớn giúp chúng tôi chuyên tâm nghiên cứu khoa học hơn, mặc dù đã ở tuổi gần 70", bà Phạm Thu Nga chia sẻ.

Nghiên cứu về khoa học và công nghệ nano từ những năm 1990, 5 nhà khoa học nữ đã chủ trì, tham gia 86 đề tài nghiên cứu khoa học, tất cả đều mang tính cơ bản định hướng ứng dụng để vừa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới, vừa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của khoa học và công nghệ trong nước. Họ cũng là tác giả của 636 báo cáo khoa học được đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị trong và ngoài nước, trong đó có 120 báo cáo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI.

5 nhà khoa học nữ tự hào là những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu sử dụng phương pháp sol-gel và hóa ướt để chế tạo ra các loại hạt kích thước nano mét như chấm lượng tử, nano ion đất hiếm, nano kim loại vàng, bạc và nano silica chứa tâm mầu hữu cơ ứng dụng trong y - sinh, nông nghiệp, in bảo mật và linh kiện quang điện tử.

Họ đã nghiên cứu chế tạo các vật liệu bột phát quang chứa ion đất hiếm phục vụ cho việc sản xuất đèn ống huỳnh quang hiệu suất cao, phát ánh sáng trắng, sử dụng tiết kiệm bột phát quang; nghiên cứu chế tạo các vật liệu phục vụ cho khai thác dầu khí; phát triển các phương pháp và thiết bị quang tử phục vụ cho các nghiên cứu cơ bản về vật liệu và y - sinh, ví dụ phát triển hệ kính hiển vi huỳnh quang đồng tiêu quét laser.


5 nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học và công nghệ nano ở Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Để có được những thành tích trên, nhóm nữ khoa học gia phải tham gia nhiều chuyến thực tập, duy trì hợp tác với nhiều phòng thí nghiệm ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ba Lan... Bà Phạm Thu Nga cho rằng nghiên cứu khoa học là việc khó, phụ nữ tham gia còn khó gấp nhiều lần. "Ở nhà phải thực hiện đúng nghĩa vụ của người vợ, người mẹ, ở cơ quan phải làm đúng chức năng của nhà nghiên cứu. Vì vậy, thời gian thực hiện một công trình nhiều gấp đôi nam giới", bà Nga chia sẻ.

Nhiều nữ khoa học có chồng cũng làm nghiên cứu, vợ chồng phải thay phiên nhau đi công tác nước ngoài. "Khi sinh con đầu, chồng ở xa. Khi con được 2-3 tuổi, chồng về nước chăm con, vợ lại lên đường. Vậy nên con chúng tôi thường xuyên thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ. Và cũng vì chuyện nghiên cứu mà hai người con cách nhau chục tuổi là chuyện thường", bà Nga nói và kể từng bật khóc giữa trời Pháp khi nghe tin con ốm.

Bà Vũ Thị Bích nhớ lại thời gian học sau đại học ở Pháp, gia đình gửi thư 6 tháng sau mới nhận được. "Đọc những dòng em gái tâm sự con ở nhà liên tục hỏi mẹ đâu rồi, hôm qua mẹ ở đây cơ mà khiến cô muốn bỏ mặc tất cả để về với con. Nhưng đam mê và trách nhiệm không cho phép cô làm vậy", bà Bích kể.

Ngay cả khi được ở nhà, thời gian dành cho các con cũng gói gọn trong hai từ "tranh thủ". Nghiên cứu là quá trình liên tục và các nhà khoa học không thể bỏ dở giữa chừng. Bà Hồng Nhung chia sẻ dù đã ở tuổi thất thập nhưng vẫn thường xuyên phải thức đến 12h đêm để làm việc, thậm chí thức xuyên đêm.

Bên cạnh vấn đề thời gian, việc những người đã ở tuổi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học cũng đưa đến một vài khó khăn. Bà Nhung cho biết tất cả 5 người đều đã ở độ tuổi từ 65 đến 68. Người trong biên chế nhà nước và người đã nghỉ hưu được phân bố quyền hạn và kinh phí phục vụ nghiên cứu hoàn toàn khác nhau. "Nếu không tự tìm nguồn và đề tài thì sẽ không có kinh phí để làm việc", bà Nhung nói. Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy may mắn khi nhà nước không giới hạn độ tuổi và giới tính với người làm nghiên cứu khoa học.

Cùng là thế hệ thứ hai của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 5 nhà khoa học nữ gắn bó như những người thân trong gia đình, rất hiểu nhau. "Mỗi chúng tôi là một cánh hoa trong bông hoa 5 cánh, không thể tách rời. Dù cô Phương Tùng nghiên cứu ở TP HCM nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc và hợp tác chặt chẽ", bà Nhung khẳng định.

Bà Kim Anh cho rằng họ may mắn được nhiều người ủng hộ, trong đó có giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. "Thầy đã đào tạo, dìu dắt chúng tôi ngay từ khi mới vào nghề và hướng chúng tôi nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng khoa học và công nghệ nano ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Chúng tôi tự hào khi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên của Đông Nam Á đi sâu nghiên cứu về lĩnh vực này", bà Kim Anh nói.


4 nhà khoa học Kim Anh, Thu Nga, Vũ Bích và Hồng Nhung (từ trái sang) ở Hà Nội, bà Phương Tùng nghiên cứu ở TP HCM. (Ảnh: Thanh Tâm).

Không chỉ làm nghiên cứu khoa học, 5 nhà khoa học còn đào tạo rất nhiều thế hệ học trò, đang làm công việc giảng dạy hay nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu. 5 bà đã hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh đang làm luận án và 60 thạc sĩ. Dưới góc độ là những người thầy đồng thời là người làm nghiên cứu, các nhà khoa học nữ khuyên thế hệ trẻ và đặc biệt là các bạn nữ phải thực sự đam mê mới nên theo đuổi con đường này.

Nói về dự định trong tương lai, nhóm nhà khoa học nữ cho biết vẫn đang và sẽ tiếp tục làm nghiên cứu, góp phần phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà. Ngoài ra, họ vẫn sẽ tham gia giảng dạy. Mong ước duy nhất của cả 5 nữ khoa học gia là có sức khỏe để tiếp tục nghiên cứu, làm việc có ích cho xã hội.

Giải thưởng Kovalevskaya là giải thưởng thường niên dành tặng cho nữ khoa học gia có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa. Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học gốc Nga, Kovalevskaya (1850-1891).

Quỹ giải thưởng quốc tế Kovalevskaya được thành lập năm 1985, với sự đóng góp ban đầu của vợ chồng giáo sư người Mỹ Ann và Neal Koblitz. Từ năm đó, vợ chồng giáo sư đã chọn các nhà khoa học nữ Việt Nam về lĩnh vực khoa học tự nhiên làm đối tượng để xét và trao giải thưởng Kovalevskaya.

Cập nhật: 08/03/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video