Có người cho rằng đèn giao thông là một phương tiện ra đời để hạn chế sự tự do của chúng ta... Thế nhưng có lẽ họ quên rằng chính đèn giao thông đã cứu sống được bao nhiêu sinh mạng trong hàng trăm năm qua.
Mùng 05 tháng 8 đối với đa số chúng ta cũng chỉ là ngày rất bình thường như bao ngày khác. Thế nhưng các bạn có biết đây chính là "sinh nhật" của người bạn cần mẫn luôn chăm chỉ làm việc bất kể ngày đêm, mưa gió để cho chúng ta được an toàn trên đường không? Vâng, đúng ngày này cách đây 102 năm đèn giao thông chạy điện đầu tiên đã ra đời ở New York.
Thật đáng sợ khi không có đèn giao thông.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, kinh tế Mỹ đột ngột phát triển không ngừng. Các phát minh, sáng chế liên tục ra đời như nấm sau mưa, cách mạng tình dục, nhạc jazz và boxing khiến người dân Mỹ chao đảo vì "quậy". New York nghèo nàn đã biến thành New York như chúng ta biết ngày nay... Và khi Henry Ford đưa mẫu xe tuyệt vời của mình là Ford T lên trên chuyền của nhà máy lắp ráp thì xe hơi đã không còn là một mặt hàng xa xỉ nữa mà trở thành phương tiện giao thông vừa túi tiền của mọi người.
Năm 1916, giá trung bình của một chiếc Ford T là 440 đô la Mỹ, trong khi lương một công nhân bình thường làm việc tại nhà máy Ford là khoảng 100 đô la/tháng. Và khi xe cộ bắt đầu chạy ầm ầm ngoài đường phố thì người Mỹ mới chợt nhận ra rằng hạ tầng cơ sở của họ không tương xứng với số lượng xe lớn như vậy. Thật khó để tưởng tượng rằng thời gian đó Mỹ không những chưa có đường cao tốc mà ngay cả đèn giao thông cũng chẳng có nốt.
Đến đầu những năm 20 của thế kỷ trước thì những con đường của New York đã chật ních những xe ô tô.
Nhiều người tin rằng đèn giao thông xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1868 tại London. Trên thực tế điều này không đúng vì tại thủ đô của Vương quốc Anh trong năm đó gần tòa nhà quốc hội người ra cắm các cột tín hiệu semaphore giống như ở nhà ga.
Cột tín hiệu semaphore cuối cùng còn hoạt động tại nhà ga Greenford Station.
Nó có hai mũi tên lớn được nâng bằng tay lên theo chiều ngang hoặc nghiêng một góc 45 độ. Trong trường hợp đầu tiên, tín hiệu có nghĩa là "dừng lại" và khi nghiêng sẽ biểu thị "chú ý". Mặc dù loại cột tín hiệu semaphore này cũng có "ánh sáng" – người ta đốt đèn màu đỏ hoặc xanh bằng khí gas vào ban đêm nhưng đây chưa phải là đèn giao thông chạy điện mà chúng ta đang nói tới. Loại đèn này rất nguy hiểm, và vào năm 1869 xảy ra trường hợp đèn phát nổ làm viên cảnh sát đứng cạnh bị thương nặng.
Fifth Avenue thời đó (và cho tới tận ngày nay) là một trong những con phố sầm uất nhất ở New York. Chính tại đây người ta đã quyết định lắp đặt những cây đèn giao thông bán tự động đầu tiên của thành phố - đó là những cái chòi lớn có cảnh sát ngồi ở trong. Loại đèn-chòi này vẫn còn phổ biến trên các đường phố New York cho đến tận năm 1929.
Tuy nhiên, loại công trình giao thông như vậy đã được phát minh từ thời Babylon cổ đại. Theo một số sử sách còn ghi lại thì vua Hammurabi (cai trị từ năm 1793 đến năm 1750 trước công nguyên) đã bắt những người nô lệ cứ mỗi buổi chiều tối phải gánh những chiếc đòn gánh có hai cốc đèn dầu ở hai đầu ra đứng ngoài đường. Chính những cột tín hiệu "sống" này sẽ giúp cảnh báo các xe cộ và điều tiết giao thông.
Loại đèn giao thông "chính hiệu" đã được phát minh vào năm 1914 – ngày 5 tháng 8 chiếc đèn giao thông bán tự động đầu tiên do James Hogan thiết kế đã được lắp đặt ở Cleveland (Mỹ). Nó có một đèn màu đỏ và một đèn màu xanh lá cây hoạt động dưới sự điều khiển của một cảnh sát ngồi trong chiếc chòi đặc biệt. Tuy vậy cả chính quyền cũng như các tài xế đều không hiểu vì sao lại cần tới loại công trình giao thông mới này để làm gì bởi vào năm 1914 thì lượng ô tô ở Cleveland chưa nhiều, Ford T vẫn chưa bao phủ được toàn nước Mỹ. Người dân ở đây thì quen nhìn thấy những người điều khiển giao thông đứng vung tay múa chân ngoài đường hơn.
Bên trong chiếc đèn giao thông thời đó có gì?
Sáu năm sau tại Detroit lại là câu chuyện khác: cả thành phố tràn ngập những xe máy. Tắc đường xảy ra như cơm bữa, xe cộ chạy loạn cào cào khiến việc điều khiển giao thông bằng sức người bị quá tải. Cảnh sát không đối phó nổi với những người điều khiển xe máy phóng bạt mạng và lạng lách. Tình trạng giao thông hỗn loạn năm 1920 khiến cho một trong những người đứng đầu ngành cảnh sát Detroit – ông William Potts đã không thể chịu được và tự bỏ tiền túi của mình ra để phát triển cơ sở hạ tầng đường bộ. Ông chi ra 37 đô la (tương đương 463 đô la Mỹ hiện tại) để mua dây điện và chế tạo đèn giao thông. Cây đèn này sau đó xuất hiện tại nút giao giữa Woodward và Michigan Avenues. Ngoài màu đỏ và xanh như của James Hogan thì nay chiếc đèn có thêm màu vàng dùng để cảnh báo cho lái xe và người đi bộ.
Chiếc đèn giao thông bán tự động đầu tiên được lắp đặt tại giao điểm của Woodward và Michigan Avenues, thành phố Detroit. William Potts sau đó trở nên nổi tiếng và được mọi người gọi là "Ông đèn giao thông".
Cũng trong năm đó, hàng loạt đèn giao thông được lắp đặt tại New York, nơi mà chúng có cơ hội được sử dụng hết công năng của mình. Có thể mạnh dạn khẳng định chính từ New York mà đèn giao thông đã bắt đầu đi chinh phục khắp hành tinh. Nếu như trước đó vào giờ cao điểm phải mất gần 50 phút để đi từ đường 57 đến đường 34 qua Fifth Avenue thì sau khi đèn giao thông xuất hiện lập tức thời gian này giảm xuống chỉ còn 10 phút.
Tuy vậy, những "tháp nút chai" (người Mỹ thời đó gọi như vậy) này vẫn còn những thiếu sót lớn. Đầu tiên là chúng nằm ở trung tâm của các giao lộ và vì thế lại hạn chế giao thông. Điểm yếu thứ hai - có lẽ nghiêm trọng hơn – là vẫn cần có sự hiện diện của con người để vận hành đèn giao thông. Lấy ví dụ, vào giữa những năm 1920 ở New York, khoảng 10% số nhân viên cảnh sát của thành phố chỉ làm một nhiệm vụ là điều tiết giao thông, gây lãng phí rất lớn về nhân lực.
Trước khi đèn giao thông được phát minh thì cảnh sát giao thông đã từng có thời gian phải điều tiết giao thông bằng cách thủ công. Ngoài việc sử dụng gậy hay những biển chỉ dẫn treo trên các con sào thì cảnh sát thậm chí còn đeo cả đèn trên ngực.
Năm 1923 nhà phát minh da đen Garret Morgan đã được cấp bằng sáng chế cho đèn tín hiệu giao thông đầu tiên có khả năng tự động chuyển màu tín hiệu. Thật tình cờ, bằng sáng chế của Morgan cũng được đăng ký đúng vào ngày 5 tháng 8. Ông kể rằng chính việc nhìn thấy một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ngay trước mắt mình đã thôi thúc ông nghiên cứu và sáng chế ra đèn giao thông tự động này.
Trong phần diễn giải của bằng sáng chế có ghi: nhờ khả năng hoạt động độc lập mà thiết bị này sẽ điều phối giao thông từ các hướng mà không phụ thuộc vào cảnh sát. Điều này có nghĩa là: đèn giao thông tự động đã khẳng định một trong những nguyên tắc của nền dân chủ - tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Garret Morgan và phát minh để đời của ông.
Đôi khi ở đâu đó chúng ta có thể đọc được rằng nhờ sáng chế ra đèn giao thông tự động mà Garret Morgan trở nên giàu có. Sự thật không phải như vậy, vì Morgan đã giàu từ rất lâu trước khi ông phát minh ra đèn giao thông. Khoản tài chính đầu tiên ông có được là từ loại kem mỹ phẩm dùng để duỗi thẳng tóc, và ngày 13 tháng 10 năm 1914 Morgan nhận được bằng sáng chế cho mặt nạ phòng độc hoàn chỉnh đầu tiên. Tất nhiên đèn giao thông tự động cũng đem lại cho Morgan một khoản không nhỏ khi General Electric đồng ý mua lại bằng sáng chế này của ông với số tiền khổng lồ vào thời đó 40.000 đô la, tương đương với 500.582 USD bây giờ (khoảng 11,15 tỷ VND).
Thực tế là đến năm 1923 tại Mỹ có tổng cộng khoảng 50 loại đèn giao thông. Thế nhưng phát minh của Morgan nổi bật nhất nhờ sự đơn giản và tiện lợi, khiến các đối thủ còn lại dần dần bị tiêu diệt. Và đèn giao thông ngày nay vẫn được xây dựng trên thiết kế của Morgan từ năm 1920.
Vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước tại Mỹ có hơn 50 loại đèn giao thông với những thiết kế khác nhau. Ví dụ, công ty Attica Traffic Signal Company đưa ra một hệ thống trong đó có những bóng đèn đếm ngược đến thời gian có thể tiếp tục di chuyển. Loại đèn báo này đến bây giờ vẫn còn thường được sử dụng tại các đường đua xe thể thao.
Ở nước Nga xa xôi thì đèn giao thông đầu tiên mãi đến 15 tháng 1 năm 1930 mới xuất hiện tại giao điểm của đại lộ 25 Tháng Mười và đại lộ Volodarsky ở Leningrad (tức là hai đại lộ Nevsky và Liteiny ở Saint Petersburg ngày nay). Tại thủ đô Moscow, đèn giao thông còn xuất hiện muộn hơn. Năm cùng tháng tận, đúng ngày 30 tháng 12 năm 1930 tại điểm giao của phố Petrovka và cầu Kuznetsky người dân Moscow mới được nhìn thấy đèn giao thông tự động lần đầu.
Còn ở Nhật Bản trong suốt một thời gian dài tín hiệu cho phép lưu thông trên đường có màu xanh nước biển thay vì xanh lá.
Hơn một trăm năm qua, đèn giao thông không ngừng phát triển và trở nên phức tạp hơn nhưng cũng tiện lợi hơn. Hiện tại đèn tín hiệu giao thông có những loại đặc biệt không chỉ dành riêng cho ô tô mà còn dùng cho xe đạp, người đi bộ, xe điện và thậm chí cả cho ngựa. Ta hay bắt gặp đèn tín hiệu có dạng mũi tên cho phép bạn rẽ phải khi gặp đèn đỏ, hay như đèn có cả âm thanh để giúp người khiếm thị để băng qua đường. Loại đèn này hiếm gặp ở Việt Nam ta nhưng tại nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật Bản,... lại là công trình giao thông bắt buộc phải có.
Cây đèn này gồm 75 bóng và cao 8m, hoạt động không theo một quy luật nào nhưng thực tế là do một máy tính điều khiển.
Chiếc đèn giao thông lớn nhất thế giới hiện nay là ở London. Nói đúng ra, nó là cả một "cây đèn" gồm 75 bóng và cao 8 m nằm trên quảng trường gần trung tâm thương mại tài chính Canary Wharf. Cây đèn này chắc chắn không giúp bạn xác định được phương hướng mà trái lại, những chiếc đèn flash trên cây bật sáng không theo trật tự nào và thu hút sự chú ý của những người mới tới đây lần đầu.
Cây đèn giao thông kỳ dị nhất thế giới ở Anh.
Kỹ sư Peter Vivantin đã thiết kế cây đèn kỳ cục này để gợi nhớ đến nhịp điệu khó đoán và biến đổi liên tục của những hoạt động và sự kiện tài chính, thương mại trong nước. Nếu các tài xế không tập trung thì rất dễ gặp rắc rối trên đường chỉ vì mải ngắm cây đèn quái lạ này!
Có người cho rằng đèn giao thông là một phương tiện ra đời để hạn chế sự tự do của chúng ta... Thế nhưng có lẽ họ quên rằng chính đèn giao thông đã cứu sống được bao nhiêu sinh mạng trong hàng trăm năm qua. Sau khi đọc bài này hôm nay nếu có đi qua cột đèn giao thông thì các bạn hãy nói "cảm ơn và chúc mừng sinh nhật" với nó nhé.