Hãy cùng điểm lại 6 sự kiện khoa học đánh dấu quá trình nghiên cứu, chinh phục vũ trụ của loài người qua bài viết dưới đây.
Vệ tinh đầu tiên bay vào vũ trụ
Vào lúc 22h28p34s ngày 4/10/1957 (giờ Moscow), tên lửa đẩy R-7 đã được kích hoạt tại bãi phóng Baikonur, Kazakhstan, mang theo vệ tinh Sputnik 1 – với hình dáng của một quả cầu nhôm - bay vào không gian và nhanh chóng biến mất trong màn đêm theo hướng Đông Bắc.
314,5 giây sau khi tách khỏi tên lửa, vệ tinh bắt đầu phát tín hiệu "Bíp! Bíp" có thể nghe được từ các trạm theo dõi trên Trái đất. Là vệ tinh đầu tiên thế giới do Liên Xô chế tạo, Sputnik 1 đã đi vào quỹ đạo, đạt độ cao 947km và mang theo khát vọng chinh phục vũ trụ của con người.
Nguyên mẫu đầu tiên của vệ tinh Sputnik 1. (Ảnh: RT).
Quả cầu có đường kính 58cm và nặng 83kg này đã bay quanh quỹ đạo Trái đất 1.440 lần với quãng đường tổng cộng 60 triệu km trong vòng 92 ngày.
Sputnik 1 không được trang bị công nghệ tối tân nào so với các vệ tinh hiện đại ngày nay. Nó chỉ có 4 antena để gửi các tín hiệu âm thanh đơn giản về Trái đất từ nhiều hướng.
Tiếp nối thành công của Sputnik 1, ngày 3/11/1957 người Liên Xô đã phóng vệ tinh Sputnik 2 cùng với chú chó Laika vào ngày 3/11/1957. Laika đã trở thành sinh vật sống đầu tiên lên vũ trụ, mặc dù nó đã bị thiêu cháy trong chuyến đi lịch sử của mình.
Việc Sputnik 1 bay vào vũ trụ được xem là sự kiện mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Bốn tháng sau đó, người Mỹ cũng đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của họ, Explorer 1, vào tháng 1/1958.
1961: Người Liên Xô đầu tiên bay vào không gian
Đúng 9h07p ngày 12/4/1961, phi thuyền Phương Đông (Vostok) mang theo phi hành gia Yuri Gagarin đã xuất phát từ bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo với tốc độ 29.000km/giờ, đạt độ cao tối đa 327 km. Gagarin trở thành người đầu tiên thấy ngôi nhà chung của chúng ta từ ngoài vũ trụ.
Tàu Phương Đông 1- con tàu đưa Gagarin vào không gian. (Ảnh: ITN).
Sau khi kết thúc hành trình bay vòng quanh Trái đất trong 108 phút, phi hành gia Gagarin cùng thiết bị hạ cánh của mình đã tiếp đất an toàn bằng dù xuống một cánh đồng tại bang Saratov. Chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trũ đã thành công, trở thành niềm tự hào và là thành quả vĩ đại nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Theo các thông tin do Liên Xô tiết lộ, Gagarin được lựa chọn chỉ 4 ngày trước khi tàu Phương Đông bay vào vũ trụ, việc này khiến ông càng trở nên nổi tiếng khắp hành tinh. Thậm chí sự nổi tiếng của Gagarin còn làm lu mờ vai trò của Sergei Korolev, người thiết kế phi thuyền đưa Gagarin lên không gian.
Phi hành gia Yuri Gagarin. (Ảnh: ITN)
Hàng trăm ngàn người dân Liên Xô đã đổ đầy đường phố Moscow khi đó để chào mừng Gagarin khi ông trở lại Trái đất thành công. Sự kiện này nối tiếp thành công của các thế hệ tên lửa Sputnik, cho thấy vai trò dẫn đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào vũ trụ.
“Bước nhảy vọt của nhân loại”
Không chịu thua kém kình địch Liên Xô. Người Mỹ đã đáp trả, nhưng bằng một cách “khiêm tốn” hơn khi đưa đưa phi hành gia Alan Shepherd lên quỹ đạo vào ngày 5-5-1961. Tuy nhiên, chuyến bay của Shepherd chỉ diễn ra trong vòng hơn 15 phút nên tàu không thể kịp đi hết một vòng Trái đất.
Mãi tới gần một năm sau chuyến bay của Gagarin, Mỹ mới thực hiện thành công chuyến bay vòng quanh quỹ đạo. Chuyến bay, mang theo phi hành gia John Glenn, diễn ra vào ngày 20-2-1962.
Neil Armstrong và lá cờ Mỹ trên mặt trăng. (Ảnh: ITN).
Mặc dù vậy, để vượt qua Liên Xô thì những sự kiện trên là không đủ. Thế là người Mỹ đã lên kế hoạch cho một sự kiện vô cùng táo bạo: trở thành quốc gia đầu tiên chinh phục Mặt trăng.
Ngày 16/7/1969, tên lửa Saturn V đưa tàu vũ trụ Apollo 11 cùng 3 phi hành gia người Mỹ gồm Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin rời Trái đất. Sau hơn 3 ngày bay quanh quỹ đạo, ngày 20-7-1969 tàu Apollo 11 đã chính thức trở thành phi thuyền chở người đầu tiên tiếp cận Mặt trăng.
Hai trong số ba phi hành gia là Neil Armstrong và Buzz Aldrin vinh dự nhận lệnh đáp xuống bề mặt tự nhiên của Mặt trăng bằng khoang đổ bộ Eagle. Neil Armstrong đã là người đầu tiên đặt chân xuống nền Mặt trăng. Ông và Aldrin đã cắm cờ Mỹ lên bề mặt mặt trăng và lấy mẫu vật chất của vệ tinh để phân tích và nghiên cứu.
Câu nói của Armstrong khi bước trên Mặt trăng vẫn nổi tiếng tới tận ngày nay: “Đây là bước nhỏ của một người đàn ông, nhưng là bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại”.
Tàu Viking hạ cánh xuống sao Hỏa
Chương trình Viking do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức khởi động ngày 20-8-1975 với hai tàu Viking 1 và Viking 2 có cấu tạo giống hệt nhau. Mỗi tàu gồm hai module. Một module nhận lệnh bay quanh quỹ đạo sao Hỏa, module còn lại đáp xuống bề mặt “hành tinh đỏ”.
Viking 1 rời bệ phóng ngày 20/8/1975 trong khi Viking 2 xuất phát ngày 9/9/1975. Đây là chương trình vũ trụ tốn kém nhưng thành công nhất của NASA trong thập niên 70 của thế kỷ trước.
Tàu Viking 1. (Ảnh: NASA).
Trong suốt vòng đời của mình, tàu Viking đã thu thập nhiều thông tin quan trọng về sao Hỏa, qua đó giúp ích lớn cho việc nghiên cứu hành tinh, vốn được coi là giống với Trái đất nhất trong Hệ Mặt trời.
Đáng chú ý, dữ liệu thu được cho thấy dấu vết của những dòng nước lớn chảy hàng ngàn km, tạo ra những thung lũng cũng như đường rãnh ăn sâu vào nền đá. Một số dấu vết ở bán cầu nam sao Hỏa còn cho thấy mưa có thể từng rơi trên hành tinh.
Không thỏa mãn với những kết quả của tàu Viking, vào năm 2011, người Mỹ thêm một lần nữa phóng thành công tàu thăm dò Curiosity lên bề mặt sao Hỏa. Con tàu công nghệ cao nặng 1 tấn, trị giá 2,5 tỉ USD đã bay 8 tháng với vận tốc trung bình khoảng 21.000 km/h trước khi đáp nhẹ nhàng xuống Nam bán cầu của “hành tinh đỏ” vào năm 2012.
Trong 5 năm qua, Curiosity đã gửi về hàng trăm hình ảnh về môi trường sao Hỏa, qua đó sớm giúp còn người kết luận liệu “người anh em” với Trái đất này có khả năng tạo điều kiện cho sự sống hay không.
Xây trạm vũ trụ ISS
Quá trình xây ISS bắt đầu vào năm 1998. Phi hành đoàn đầu tiên đến trạm năm 2000. Từ thời điểm đó, ISS đã được coi là ngôi nhà chung trên vũ trụ của các nhà du hành và nghiên cứu không gian đến từ các nước trên thế giới, đứng đầu là Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada v.v…
Trạm không gian ISS.
Tới năm 2011, các nước đã chính thức hoàn thành việc xây dựng ISS. Nga và Mỹ đóng góp những module quan trọng nhất cho ISS, các nước khác cùng nhau đóng góp các module phục vụ công tác nghiên cứu.
Trạm ISS được cho là có vai trò quan trọng làm dịu căng thẳng Chiến tranh Lạnh. Sau khi Xô viết tan ra, Nga mất đi lãnh địa, nguồn tài nguyên, các phương tiện kỹ thuật và nguồn tài chính duy trì chương trình trạm vũ trụ của riêng mình mang tên Mir.
Năm 1993, sau hiệp định ban đầu về Nga và Mỹ hợp tác thực hiện nhiệm vụ trong chương trình Mir, các đối tác vũ trụ toàn cầu (Mỹ, châu Âu,..) chính thức đảm bảo cho Nga tham gia chương trình ISS, thiết lập quan hệ mới giữa Nga và các nước khác.
Trạm ISS hiện là cơ sở nghiên cứu khoa học quan trọng, giữ vai trò phát triển mục tiêu tiếp theo cho những chuyến bay du hành của nhân loại lên vũ trụ, vượt ra ngoài quỹ đạo Trái Đất.
Trái đất nhìn từ trạm ISS. (Video: Youtube).
ISS sẽ hoạt động thêm 11 năm nữa, nghĩa là tới năm 2028. Tuy nhiên, thế giới sẽ không cần lo lắng về tương lai bởi theo thông tin mới được Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) tiết lộ, Nga và Mỹ mới đây vừa đạt thoả thuận xây dựng một trạm vũ trụ mới trên quỹ đạo Mặt trăng.
Thám hiểm không gian, bao gồm các sứ mệnh chung trên trạm ISS, dường như là lĩnh vực duy nhất mà Moscow và Washington đang hợp tác hiệu quả bất chấp căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. "ISS là một ví dụ cụ thể về những gì Nga và Mỹ đạt được khi làm việc cùng nhau", đại diện Roscosmos chia sẻ.
Tiếp cận sao Diêm Vương
Ngày 14/7/2015, tàu vũ trụ New Horizons của Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau khi vượt qua 4,8 tỷ km trong 9 năm và gửi về Trái đất những hình ảnh rõ nhất về sao Diêm Vương - một trong những thiên thể xa nhất của Hệ Mặt trời.
Trong 9 năm du hành không gian của mình, New Horizons đã lần lượt tiếp cận Mặt Trăng rồi sao Mộc, hành tinh lớn nhất của hệ Mặt Trời. Từ đây, con tàu được "tăng tốc" nhờ lực hút trọng trường của hành tinh này (slingshot) để giảm thiểu thời gian du hành tới sao Diêm Vương.
Hành trình chinh phục sao Diêm Vương của tàu New Horizons. (Video: NASA).
New Horizons cũng đã nhiều lần suýt bị phá hỏng: vào năm 2006, New Horizons vô tình "sượt ngang" một thiên thạch có đường kính 2,3km ở cự ly hơn 100km, trước bay qua sao Mộc.
Sau khi vượt qua Diêm Vương, tàu không gian này sẽ tiếp tục hành trình của mình tiến vào vành đai Kuiper. Nơi đó nó sẽ tiếp cận với các thiên thể khác và thu thập thêm nhiều thông tin hơn, giúp các nhà khoa học hiểu hơn về sự hình thành của hệ Mặt Trời.
Sự kiện này mang ý nghĩ lớn trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại và đồng thời giúp Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ tới mọi hành tinh, từ sao Thủy tới sao Diêm Vương.