Các nhà khoa học Hungary chứng minh năng lượng tối bí ẩn chiếm 68% vũ trụ có thể không tồn tại.
Các nhà khoa học tại Đại học Eötvös Loránd, Hungary, tiến hành nghiên cứu cho thấy những mô hình chuẩn của vũ trụ hiện nay không tính đến cấu trúc đang thay đổi của nó. Nếu xem xét cả yếu tố này, năng lượng tối bí ẩn được cho là chiếm tới 68% vũ trụ có thể không tồn tại, Science World Report hôm 4/4 đưa tin.
Từ những năm 1920, giới khoa học bắt đầu lập biểu đồ vận tốc của các thiên hà. Họ kết luận toàn bộ vũ trụ đang ngày càng mở rộng và bắt đầu từ một điểm rất nhỏ.
Mô phỏng năng lượng tối. (Ảnh: Zmescience).
Vào nửa sau của thế kỷ 20, các nhà thiên văn học tìm thấy bằng chứng về vật chất tối không nhìn thấy được, bằng cách phân tích một thứ gì đó bí ẩn góp phần vào sự chuyển động của những ngôi sao nằm trong thiên hà. Hiện nay, người ta tin vật chất tối chiếm 27% vũ trụ và vật chất thông thường chỉ chiếm 5%.
Đến những năm 1990, các nhà khoa học cho rằng vũ trụ có một thành phần thứ ba chiếm 68% sau khi quan sát những ngôi sao lùn trắng phát nổ trong hệ thống sao nhị phân. Đó là năng lượng tối, yếu tố thúc đẩy quá trình tăng tốc sự mở rộng của vũ trụ.
Gabor Racz, tác giả chính của nghiên cứu, và các cộng sự đặt ra câu hỏi nghi vấn về sự tồn tại của vật chất tối và đề xuất một cách giải thích khác. Theo nhóm nghiên cứu, các mô hình vũ trụ thông thường đều dựa vào phép tính xấp xỉ và không tính đến cấu trúc của nó. Hơn nữa, vật chất được giả thiết có mật độ đồng nhất. Họ tái tạo sự tiến hóa của vũ trụ bằng mô phỏng máy tính, xem xét ảnh hưởng của trọng lực đến sự phân bố của hàng triệu hạt vật chất tối.
"Phát hiện của chúng tôi dựa vào một giả thuyết toán học cho phép có sự giãn nở khác nhau của vũ trụ, phù hợp với thuyết tương đối rộng. Nó chỉ ra cách mà sự hình thành các cấu trúc phức tạp của vật chất gây ảnh hưởng tới sự giãn nở. Những vấn đề này trước đây bị bỏ qua, nhưng việc tính đến chúng có thể giải thích quá trình giãn nở vũ trụ mà không cần đến năng lượng tối", László Dobos, đồng tác giả của nghiên cứu, nói.