Có không ít nhà phát minh bị tử vong bởi chính các phát minh do họ làm ra, gây chấn động.
Nhà phát minh người Pháp Sieur Freminet nảy ra ý tưởng tạo ra thiết bị thở để lặn biển. Thật không may, nguyên mẫu thiết bị đầu tiên của ông có chất lượng rất kém, ông đã chết sau khi sử dụng nó trong 20 phút.
Otto Lilienthal, một kỹ sư người Đức thử nghiệm chiếc tàu lượn treo của mình tại đồi Rhinow ở Đức. Chuyến bay đầu tiên thành công, người kỹ sư di chuyển được quãng đường 250 mét. Nhưng không may, trong lần thử nghiệm thứ tư, chiếc tàu lượn bị chững lại và ông ấy đã chết sau khi rơi từ độ cao 15 mét.
Horace Lawson Hunley là một trong những kỹ sư hàng hải giỏi nhất thập niên 1860. Ông đã tử vong khi tàu ngầm chạy bằng tay của mình bị chìm và nhân viên cứu hộ đến quá muộn.
Doanh nhân hàng không người Anh Michael Dacre đã thử nghiệm một chiếc máy bay cho công ty Avcen Ltd do ông chế tạo. Máy bay của ông gặp trục trặc và rơi xuống ở khu vực phía bắc thủ đô Kuala Lumpur, ông chết ngay lập tức.
Kỹ sư người Romania Aurel Vlaicu chế tạo chiếc máy bay trong năm 1913, một kỳ tích đáng kinh ngạc. Sau đó, ông ấy mong muốn trở thành người đầu tiên bay qua dãy núi Carpathian. Cuộc hành trình không suôn sẻ và ông đã chết khi băng qua những ngọn núi.
Franz Reichelt là nhà phát minh thiên tài và cũng là một trong những người tiên phong của trò nhảy dù. Trong một lần thử nghiệm chiếc dù của mình, ông đã nhảy khỏi tháp Eiffel. Nhưng không may, chiếc dù của ông không bung ra được, nên ông rơi thẳng xuống đất tử vong.
Max Valier đã đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp tên lửa những năm 1930. Ông đã gặp nạn và tử vong khi thử một chiếc xe chạy bằng nhiên liệu tên lửa ở Berlin vì máy xe nổ tung.
Nhà phát minh người Nga Valerian Abakovsky là người đã nghiên cứu chế tạo động cơ xe lửa tốc độ cao Aerowagon. Trong một cuộc thử nghiệm, chiếc tàu đã trật đường ray khiến chính ông cùng 5 người khác tử nạn. Aerowagon được trang bị động cơ và cánh quạt của máy bay, dự định sẽ sử dụng để chuyên chở các quan chức Liên Xô tới Moscow. Chiếc tàu của Abakovsky đã thực hiện tốt quá trình thử nghiệm trong lượt đi, tuy nhiên trong lượt về, nó đã gặp tai nạn khi về tới gần thành phố thủ đô. Khi xảy ra vụ tai nạn, Abakovsky chỉ mới có 26 tuổi.
William Bullock là một nhà sáng chế người Mỹ sống vào giữa thế kỷ thứ 19. Ông được biết đến là người đã tạo ra máy in hiện đại ngày nay. Năm 1863, Bullock đã tạo ra một loại máy in mới cho phép cắt giảm nhân công và thời gian vận hành so với máy in quay tròn được đưa vào sử dụng rộng rãi từ 20 năm trước. Vấn đề duy nhất với cỗ máy này – cũng như mọi máy móc được tạo ra ở thời kỳ này – là chúng không hề có thứ mà ngày nay chúng ta gọi là “an toàn”. Ngày 3/4/1867, Bullock đã chứng kiến sự thiếu an toàn của chính cỗ máy do mình tạo ra khi chân của ông mắc kẹt vào một trong những chiếc máy in đang được lắp đặt cho một hãng báo tại Philadelphia. Chân của Bullock bị nghiền nát và bắt đầu hoại tử sau gần một tuần. Chỉ 9 ngày sau vụ tai nạn, Bullock qua đời khi đang được phẫu thuật loại bỏ chi hoại tử.
Thomas Midgley Jr. là một kỹ sư cơ khí sống tại Pennsylvania, ông nổi tiếng với phát minh xăng pha chì. Ông cũng được gọi là “nhà phát minh gây thiệt hại nhất lịch sử”, ông tổ của biến đổi khí hậu… hay một nhà sáng chế không thân thiện với môi trường. Xăng pha chì là một trong những mối nguy hiểm lớn đối với sức khoẻ cộng đồng cho đến khi nó chính thức bị cấm sử dụng trên đường phố kể từ năm 1996. Dù vậy, đây không phải là phát minh đã khiến Midgley thiệt mạng. Theo bài đăng trên Tạp chí Time ngày 13/11/1944, Midgley đã vô tình tự siết cổ mình trong sợi dây ông dùng để kéo mình dậy khỏi giường kể từ khi mắc bệnh bại liệt từ nhiều năm trước.