Hơi thở "bốc mùi", nhân giống vi khuẩn, ăn phải chất ướp xác... là những sự thật mà bạn phải đối mặt khi gặm móng tay.
Tác hại không ngờ tới của việc cắn móng tay
Với không ít người, cắn móng tay không phải là một chuyện quá xa lạ, đôi khi là thói quen khó bỏ của nhiều bạn. Bạn có thể cắn móng tay lúc căng thẳng, nhàm chán, lo lắng hay đơn giản chỉ là cắn móng tay khi chúng vô tình bị mẻ mà thôi...
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra, thói quen tưởng chừng như vô hại này lại khiến cho cơ thể bạn "khóc thét".
1. Có hàng trăm vi khuẩn đang "bò lăn" dưới móng tay của bạn
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Colorado (Mỹ) chỉ ra, mỗi bàn tay bình thường là nơi cư trú của khoảng 150 loại vi khuẩn, nấm... và vi khuẩn ở móng tay nhiều gấp 2 lần vi khuẩn ở bàn tay.
Trong đó, nguy hiểm nhất ta cần kể đến là Salmonella - vi khuẩn gây độc thức ăn, E.coli - vi khuẩn trong ruột người, thường gây đau bụng, tiêu chảy. Các góc ấm ở phần dưới đầu móng của bạn là nơi hoàn hảo cho những vi khuẩn này sinh sôi nảy nở.
2. Cắn móng tay - bạn đang nhân giống thiên đường vi khuẩn
Các nhà khoa học Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm với 59 tình nguyện viên trong một thí nghiệm để xem liệu rằng việc cắn móng tay có tạo ra những cuộc giao lưu giữa vi khuẩn ở miệng và móng tay. Sau khi "gặm" móng tay, giới chuyên gia tiến hành nghiên cứu phần nước bọt của những tình nguyện viên này.
Kết quả chỉ ra cho thấy, 76% người cắn móng tay có kết quả dương tính với khuẩn E.coli. Cùng với đó, số vi khuẩn tồn tại ở trong miệng cũng qua đó lây nhiễm sang phần móng tay.
3. Càng cắn móng tay, răng càng thêm "nham nhở"
Thói quen cắn móng tay không chỉ ảnh hưởng phần móng mà còn có thể làm cho răng của bạn bị xô dịch, sứt mẻ hoặc trở nên yếu dần theo thời gian.
Bên cạnh đó, hành động "không được vệ sinh cho lắm" này cũng có thể gây hỏng men răng, làm mất sự liên kết của răng hàm trên và hàm dưới, gây ra căn bệnh viêm nướu.
4. Cắn móng tay, hơi thở "bốc mùi"
Nghiên cứu mới đây của nhà khoa học Ansa Akram thuộc ĐH Bristol cho thấy, thói quen cắn móng tay là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị hôi miệng.
Cụ thể, miệng của một người là nơi trú ngụ của vô vàn vi khuẩn, virus, nấm, sinh vật đơn bào. Vi khuẩn chiếm số lượng đông đảo nhất - có khoảng 100 triệu vi khuẩn trong mỗi 0,1ml nước bọt và hơn 700 loại vi khuẩn khác nhau trong miệng, gồm cả vi khuẩn kỵ khí.
Khi cắn móng tay, bạn vô tình tặng thêm cả trăm loại vi khuẩn khác trên tay, tăng số lượng vi khuẩn trong miệng, từ đó khiến miệng hôi càng thêm hôi. Bên cạnh đó, thói quen này cũng khiến phần nướu, lợi bị tổn thương, dễ sưng to, gây đau đớn.
5. Cắn móng tay - nguy cơ nhiễm trùng móng tay gõ cửa
Việc cắn móng tay có thể gây ra nhiều vết trầy xước trên móng tay. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào.
Vi khuẩn theo đó đột nhập vết thương, gây nhiễm trùng móng tay và thậm chí gây nhiễm trùng máu. Bên cạnh đó, thói quen này còn gây ra những tác dụng phụ tiêu cực như khiến móng tay bị biến dạng. Việc cắn móng tay thường xuyên có thể làm thay đổi độ dài, hình dạng móng tay vĩnh viễn.
6. Mụn cóc trên đầu ngón tay sẽ nổi rần rần
Bạn cho rằng, mụn cóc không thể xuất hiện ở trên tay ư? Sự thật là những người có thói quen cắn móng tay, cắt khóe ở móng thường dễ mắc loại virus HPV - Human Papilloma Virus.
Khi virus này xâm nhập, cơ thể sẽ xuất hiện những cục sẩn cứng nhô trên da, bề mặt sần sùi, hình tròn, kích thước từ 2mm đến vài chục mm, có màu xám. Việc cắn móng tay sẽ khiến cho loại virus này dễ dàng lây lan sang phần miệng, môi, gây đau nhức và mất thẩm mĩ.
7. Cắn móng tay sơn màu - bạn đã ăn một lượng lớn chất ướp xác
Nhiều người cho rằng, việc sơn móng tay sẽ khiến bạn từ bỏ thói quen gặm móng tay. Nhưng sự thật là, khi đã bị "nghiện", bạn khó lòng bỏ qua thói quen này và vẫn cứ gặm nhấm ngón được sơn màu.
Tuy vậy, những lớp sơn móng tay, sơn bóng chứa một lượng không nhỏ formaldehyde - vật liệu dùng trong công nghệ ướp xác.
Nghiên cứu của Tiến sĩ David Katz thuộc ĐH Yale đã chỉ ra, Formaldehyde là một chất bảo quản nhằm ngăn chặn sự phát triển vi khuẩn và có thể gây ra ung thư nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Formaldehyde có thể gây phản ứng dị ứng, mẩn ngứa, chảy máu cam, hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác.