Có hơn 200 loại ung thư khác nhau, trong đó trên 90% bệnh phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe.
Phòng tránh tác nhân gây bệnh ung thư
Theo giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), ung thư có thể phát triển ở bất kỳ bộ phận hoặc cơ quan nào của cơ thể. Bệnh có thể phát sinh từ các rối loạn bên trong cơ thể gồm rối loạn nội tiết và yếu tố di truyền - dưới 10%; còn lại phần lớn do các thói quen không có lợi cho sức khỏe.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K. (Ảnh: N.Phương).
Dưới đây giáo sư Đức đưa ra 7 yếu tố gây bệnh ung thư có thể phòng tránh được:
1. Thuốc lá
Đây là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, tụy... Trong khói thuốc có hơn 70 loại hóa chất độc hại khác nhau có thể gây ung thư. Đặc biệt có 43 chất đã được chứng minh gây ung thư như: niken, cadmium, benzopyren...
Những người không hút thuốc nhưng sống cùng người hút và hít phải khói thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến hút thuốc lá như chính người hút, nhất là phụ nữ và trẻ em.
2. Lạm dụng rượu bia
Đa số mọi người biết uống nhiều rượu, bia không có lợi cho sức khỏe nhưng ít người biết rằng nó cũng có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư. Nó là nguyên nhân gây nhiều loại ung thư như ung thư miệng, họng, thanh quản, vú... Tỷ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao thứ 3 sau ung thư phổi và dạ dày- nguyên nhân chính là do xơ gan vì sử dụng rượu bia quá mức.
3. Dinh dưỡng độc hại
Chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại-trực tràng và vú. Các chất bảo quản, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học; chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc lên men cũng là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng...
Thị hun khói, cá muối, dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày. Gạo và lạc là 2 loại thực phẩm dễ bị nấm mốc Aspergilllus flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là afatoxin gây ung thư gan nguyên phát.
Một số loại rau có tác dụng ngừa ung thư. (Ảnh: Naturecure).
4. Ô nhiễm môi trường
Ở nước ta hóa chất bảo vệ thực vật- thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ dùng phổ biến trong nông nghiệp là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và một số loại ung thư khác. Chất độc màu da cam cũng là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây nhiều bệnh ung thư.
Hóa chất sử dụng trong công nghiệp gây ra khoảng 2-8% trong tổng số các loại ung thư.
5. Các tác nhân vật lý
Bức xạ ion hóa như tia X, các chất phóng xạ dùng trong y học và một số ngành khoa học có khả năng gây tổn thương gene và sự phát triển tế bào. Tác động của tia phóng xạ gây ung thư phụ thuộc vào tuổi, liều lượng tiếp xúc và cơ quan bị tiếp xúc. Cơ quan nhạy cảm với tia phóng xạ là tuyến giáp và tủy xương.
Tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời là tác nhân gây ung thư da. Những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời thiếu phương tiện che nắng có nguy cơ bị ung thư da cao hơn người bình thường.
6. Tác nhân virus, vi khuẩn
Virus viêm gan B là nguyên nhân gây ung thư gan nguyên phát. Virus gây u nhú ở người - HPV cũng là nguyên nhân gây đến 70% ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Virus này lây truyền qua đường tình dục.
Vi khuẩn Helicobacter là loại vi khuẩn có vai trò quan trọng gây viêm loét dạ dày-tá tràng và ung thư dạ dày. Đây là một loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam.
7. Lối sống lười vận động
Vận động thể lực là yếu tố quan trọng góp phần phòng chống các bệnh ung thư. (Ảnh minh họa internet)
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ít vận động thể lực là nguyên nhân gây ra 21-25% trường hợp ung thư vú và ung thư ruột.
Vận động thể lực tạo con người một sức khỏe tốt, hạn chế được bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Đối với bệnh ung thư, nhiều nghiên cứu khẳng định vận động thể lực là yếu tố quan trọng góp phần phòng chống các bệnh ung thư.
Như vậy, ung thư không phải do một mà có rất nhiều nguyên nhân tùy theo mỗi loại ung thư. Hút thuốc và chế độ dinh dưỡng không hợp lý là 2 nhóm nguyên nhân quan trọng nhất, gây ra nhiều loại ung thư nhất. Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, đơn giản và kinh tế nhất trong chiến lược phòng chống ung thư ở mọi quốc gia.