Theo tạp chí Daily Mail, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) vừa cảnh báo, nếu con người không tăng cường bảo vệ môi trường thì đến cuối thế kỷ này, có khoảng 50% đến 90% các ngôn ngữ trên thế giới sẽ bị biến mất.
Nền văn hóa đặc thù có liên quan đến những ngôn ngữ này cũng không thể tồn tại, mà được thay thế bằng văn hóa và ngôn ngữ mang tính toàn cầu với màu sắc công nghiệp hóa.
Nghiên cứu mới nhất cho biết, 70% các ngôn ngữ trên thế giới phân bố tại những khu vực trọng điểm, có nhiều loại động vật phong phú. Tuy nhiên, đây lại là những nơi môi trường bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Họ đã so sánh 35 khu vực trọng điểm trên thế giới, chúng chỉ chiếm 2,3% diện tích trên trái đất nhưng lại có hơn một nửa thực vật có mạch trên thế giới (bao gồm cây hạt trần, cây hạt kín, cây dương xỉ) và 43% các loài động vật có xương sống trên mặt đất.
Tại những khu vực này còn phát hiện 3202 loại ngôn ngữ, chiếm một nửa các loại ngôn ngữ hiện có trên trái đất.
Những loại ngôn ngữ đặc thù này chỉ có ở những khu vực nhất định, trong khi những người biết nói loại ngôn ngữ này ngày càng ít. Điều này cũng là nguyên nhân khiến chúng đứng trước tình trạng dần biến mất.
Các nhà khoa học dự đoán tương lai của ngôn ngữ loài người không mấy lạc quan. Ngôn ngữ địa phương sẽ được thay thế bằng các loại ngôn ngữ thông dụng. Bên cạnh đó, truyền thống địa phương và các giá trị cũng sẽ được thay thế bởi truyền thống và giá trị công nghiệp hóa.