Andreas Vesalius - Ngự y say mê giải phẫu

Bất chấp bị gièm pha và nghi kỵ, Andreas Vesalius (1514 – 1564) dành trọn cuộc đời mổ xẻ, nghiên cứu giải phẫu cơ thể người.

Ông để lại cho ngành y học nhiều tài liệu quý giá, đặc biệt là bộ sách về kết cấu cơ thể người với tổng cộng 7 quyển.


Một trang trong bộ sách Về kết cấu cơ thể người của Vesalius. (Ảnh: Wikipedia.org).

Thiếu sinh quân… trộm mộ

Vesalius chào đời tại Brussels (Bỉ) trong gia đình có truyền thống hành y. Ông nội của Vesalius là ngự y của Hoàng đế Maximilian còn cha của Vesalius là ngự y của Hoàng đế Charles V. Từ nhỏ, Vesalius đã được định hướng trở thành thầy thuốc.

Ban đầu, Vesalius không quá hứng thú với học y. Năm 14 tuổi, Vesalius vào Đại học Leuven (Bỉ), theo chuyên ngành nghệ thuật và năm 18 tuổi, ông quyết định theo đuổi sự nghiệp quân sự tại Đại học Paris (Pháp). Tuy nhiên, sau khi đọc được các nghiên cứu về giải phẫu sơ khai của thầy thuốc kiêm triết gia Galen (129 – 216, Ý), ông đã thay đổi.

Galen sống trong thời đại cấm xâm phạm thi thể người, nên chỉ có thể giải phẫu cơ thể vượn, loài động vật giống với người nhất. Hàng trăm năm sau, các tài liệu của ông vẫn là kim chỉ nam của ngành y, sách gối đầu giường của các thầy thuốc phương Tây.

Thế nhưng, với Vesalius, tất cả chúng đều không đáng tin cậy vì “cơ thể người khác với cơ thể vượn”. Để chứng minh, Vesalius… đào trộm mộ, lấy xương người chết ra so sánh với xương vượn. Ông cũng tự tay lắp ghép một bộ xương hoàn chỉnh với những hài cốt đào trộm được.

Chiến tranh buộc Vesalius phải rời Pháp, quay trở lại Bỉ và tiếp tục học ở Đại học Leuven. Năm 1536, ở tuổi 22, Vesalius tốt nghiệp và được mời làm Trưởng khoa phẫu thuật và giải phẫu tại Đại học Padua (Ý).

Sau một thời gian làm công việc giảng dạy, ông quyết định trở thành trợ tá của người sẽ trở thành giáo hoàng trong tương lai, Paul IV, cứu chữa những người bị bệnh phong. Năm 1538, Vesalius xuất bản tác phẩm giải phẫu đầu tay, chính thức “tuyên chiến” với Galen.


Chân dung Andreas Vesalius. (Ảnh: Britannica).

Sửa sai cho “ông tổ ngành giải phẫu”

Khác với Galen chỉ có thể mượn giải phẫu động vật suy đoán giải phẫu người, Vesalius tự tay mổ xẻ thi thể người chết và thường xuyên thị phạm trước sinh viên. Ông tin tưởng, “trăm nghe không bằng một thấy” và khuyến khích sinh viên thực hành. Bắt đầu từ năm 1539, Vesalius còn tiếp cận được nguồn cung thi thể người ổn định là tội phạm bị hành quyết.

Càng mổ xẻ, Vesalius càng thu thập được nhiều kết quả giải phẫu và từng bước “đánh bại” Galen, ví dụ như xương ức của người không hề bao gồm 7 đoạn mà chỉ có 3, hàm dưới của người chỉ là 1 mảnh xương chứ không phải 2 mảnh, mạch máu lớn bắt đầu từ tim chứ không phải gan… Chung cuộc, ông đã phản bác và sửa sai cho Galen khoảng 300 lỗi.

Năm 1543, Vesalius còn tiến hành giải phẫu công khai thi thể của tên tội phạm khét tiếng nhất Thụy Sĩ, Jakob Karrer von Gebweiler. Xong việc, ông tặng bộ xương của hắn cho Đại học Basel. Bộ xương này có tên là Bộ xương Basel và được biết là “bộ xương giải phẫu lâu đời nhất thế giới còn tồn tại”. Hiện, nó được trưng bày tại Bảo tàng Giải phẫu của Đại học Basel.

Ngoài giải phẫu, Vesalius còn cho người vẽ lại chi tiết kết quả giải phẫu, tất cả 273 hình, đồng thời tập hợp các kết quả nghiên cứu và phân chia theo từng hạng mục, viết nên 7 quyển sách.

Quyển 1 về xương và sụn, quyển 2 về dây chằng và cơ bắp, quyển 3 về tĩnh mạch và động mạch, quyển 4 về thần kinh, quyển 5 về các cơ quan dinh dưỡng và sinh sản, quyển 6 về quả tim và các cơ quan liên quan, và quyển 7 về bộ não.

Tuy không phải tài liệu đầu tiên về giải phẫu, song nội dung và hình minh họa của Vesalius rất đầy đủ, chất lượng. Lập tức, bộ sách Về kết cấu cơ thể người trở thành tác phẩm y học xuất sắc, kinh điển nhất. Thậm chí, một loạt các bản lậu đã có mặt ngay trên thị trường và lúc này, Vesalius mới chỉ 28 tuổi.

Ngự y bị ghen ghét

Đằng sau cuộc hành hương chuộc tội của Vesalius có 2 giả thuyết:

  • Giả thuyết thứ nhất bắt nguồn từ tin đồn ông giải phẫu người vẫn còn sống, bị triều đình Tây Ban Nha phát hiện và trừng phạt bằng cách bắt đi hành hương.
  • Giả thuyết thứ hai cho rằng vì quá chán ghét Thái y viện nhưng lại không thể từ quan, Vesalius lấy cớ hành hương chuộc tội để trốn khỏi.

Tiếng tăm của Vesalius vang tới triều đình Ý, hoàng đế đương nhiệm là Charles V (1500 – 1558) đích thân mời ông vào cung làm ngự y. Quá hạnh phúc và hãnh diện, Vesalius rời Đại học Padua và từ chối nhiều lời mời giảng dạy khác, bước chân vào chốn hoàng cung, đồng thời cũng sớm kết hôn với tiểu thư xinh đẹp đến từ Bỉ, Anne van Hamme.

Trái với sự háo hức của giảng sư trẻ, cung đình là nơi đầy rẫy sự ghen ăn tức ở. Các ngự y khác vừa khinh thị vừa chế nhạo Vesalius là “bác sĩ đồ tể”, “chỉ biết mổ xẻ xác người”. Chán nản, Vesalius muốn từ quan nhưng không dám.

Suốt 11 năm tiếp theo, ông liên tục xin ra chiến trường, chữa trị cho binh lính bị thương và tiếp tục thực hành giải phẫu, tìm kiếm câu trả lời cho các nghi vấn y tế và chế tạo thuốc. Cũng trong thời gian này, Vesalius để ý đến y học Trung Hoa, bày tỏ sự nghi ngờ tới hiệu quả của thảo dược nguồn gốc Trung Quốc.

Chớp cơ hội, các ngự y khác mắng mỏ, chê trách Vesalius hết lời, đòi Hoàng đế Charles V phải trừng phạt. Năm 1555, một trong các ngự y đối đầu với Vesalius, Jacobus Sylvius còn cho xuất bản một bài viết, tuyên bố “kết cấu cơ thể người đã thay đổi sau khi Galen nghiên cứu về nó”.

Cùng năm, Vesalius chuyển tới Tây Ban Nha, làm ngự y cho Hoàng đế Philip II (1527 - 1598), và ông cũng dành thời gian biên tập lại bộ sách Về kết cấu cơ thể người và tái xuất bản.

Năm 1564, Vesalius lên đường hành hương đến Đất Thánh để chuộc tội đã mổ xẻ quá nhiều thi thể người. Vừa tới Jerusalem, ông nhận được thư từ Viện nguyên lão Venice, mời tái nhiệm chức vụ làm Giáo sư ở Đại học Padua.

Trên đường quay trở lại Ý, thuyền của Vesalius gặp bão và bị đắm. Ông sống sót bò lên đảo Zakynthos nhưng lại sớm qua đời, chỉ thọ 49 tuổi. Một nhà hảo tâm đã bỏ tiền túi, tổ chức đám tang cho Vesalius.

Cập nhật: 23/08/2023 GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video