Nhóm nghiên cứu của Anh dự kiến bắt đầu tìm kiếm thiên thạch ở Nam Cực vào năm 2020, nhằm giải mã nguồn gốc của hệ Mặt Trời.
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Manchester, Anh sẽ tìm kiếm thiên thạch bị chôn vùi hàng triệu năm trong lớp băng ở Nam Cực, Huffington Post hôm 2/2 đưa tin.
Các nhà khoa học Anh có thể bắt đầu tìm kiếm thiên thạch ở Nam Cực vào năm 2020. (Ảnh: Brookpeterson/Flickr).
Những khối thiên thạch giàu sắt được cho là tàn tích của các hành tinh chết bị phá hủy bởi nhiều cú va chạm mạnh trong vũ trụ. Các nhà khoa học hy vọng có thể hiểu rõ hơn cách hành tinh hình thành thông qua nghiên cứu các mảnh thiên thạch này.
"Nếu thành công, cuộc thám hiểm của chúng tôi sẽ giúp các nhà khoa học giải mã nguồn gốc của hệ Mặt Trời", tiến sỹ Geofrey Evatt, người phụ trách nhóm nghiên cứu, cho biết.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu tin rằng họ có thể tìm thấy tàn tích của cả sao Hỏa và Mặt Trăng. Tuy nhiên, quá trình phân loại các mảnh vỡ này có thể mất hàng tháng, thậm chí là nhiều năm.
Cuộc tìm kiếm dự kiến bắt đầu vào năm 2020. Do đó, nhóm nghiên cứu sẽ có thời gian để chuẩn bị nhằm đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ băng giá, gió mạnh, địa hình đồi núi ở Nam Cực.