Sống lâu trong bóng tối hang động ở sâu dưới lòng đất có thể khiến các cầu thủ nhí bị mất ngủ, trầm cảm, dễ xích mích với đồng đội.
Đội bóng nhí gồm 12 cầu thủ thiếu niên (11-16 tuổi) và huấn luyện viên 25 tuổi mất tích trong hang động Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai suốt 9 ngày từ hôm 23/6. Hang động ngập lũ nơi họ được tìm thấy rất tối tăm, ẩm ướt và nguy hiểm, theo BBC.
Sau khi đội cứu hộ phát hiện họ còn sống sót hôm 2/7, đội bóng được cung cấp thực phẩm, nước uống và kiểm tra y tế xác nhận không có thành viên nào rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhưng với dự báo lượng mưa lớn hơn trong những ngày tới, các nhà chức trách cho biết có thể mất tới 4 tháng chờ lũ rút để giải cứu đội bóng khỏi hang động.
Đội cứu hộ đang tìm cách đưa các cầu thủ nhí mắc kẹt và huấn luyện viên ra khỏi hang. (Ảnh: AFP).
Bên cạnh sang chấn tâm lý do mắc kẹt hàng trăm mét dưới lòng đất, môi trường tối tăm thiếu ánh sáng Mặt Trời có thể tác động đến cảm quan và nhận thức về thời gian của các cậu bé. Những thay đổi có thể đẩy họ vào nguy cơ bị trầm cảm, mất ngủ và bất hòa trong nội bộ đội bóng.
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị cô lập trong hệ thống hang động suốt nhiều tháng. Năm 1962, nhà địa chất học người Pháp Michel Siffre chui xuống sông băng dưới lòng đất mà ông phát hiện gần thành phố Nice, Pháp, trong hai tháng. Không có đồng hồ, lịch hay ánh sáng Mặt Trời, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, Siffre để cơ thể quyết định hành vi.
Michel Siffre tình nguyện ở dưới lòng đất trong thời gian dài vì mục đích nghiên cứu khoa học. (Ảnh: AFP).
Ông ghi chép các hoạt động của mình và gọi điện thoại cho cộng sự ở bên ngoài mỗi khi thức dậy, ăn uống và trước khi đi ngủ. Họ không nói cho ông biết lúc đó là mấy giờ. Khi đồng nghiệp gọi để thông báo hai tháng đã kết thúc, Siffre tỏ ra không tin. Ông cho rằng mới chỉ một tháng trôi qua. Nhận thức tâm lý của ông về thời gian đã trở nên méo mó do ở thường xuyên trong bóng tối. Tương tự, khi các thợ lặn tìm thấy đội bóng mắc kẹt, một trong những câu hỏi đầu tiên của nhóm cầu thủ nhí là họ đã ở dưới đó bao lâu.
Ghi chép của Siffre tiết lộ một hiện tượng thú vị khác. Dù ông dành khoảng 1/3 thời gian để ngủ như khi ở trên mặt đất, chu kỳ thức/ngủ của ông không phải 24 tiếng, mà là 24 tiếng 30 phút. Ông bắt đầu sống theo thời gian nội tại của chính ông, không phải theo giờ giấc mà hầu hết chúng ta tuân theo trong cuộc sống hàng ngày, được quyết định bởi thời điểm mọc và lặn của Mặt Trời.
Hiện tượng tương tự có thể được quan sát ở những người bị mù hoàn toàn. Dù đồng hồ sinh học của họ khác nhau, một số người có vòng thời gian chưa đến 24 tiếng trong khi nhiều người khác sinh hoạt theo chu kỳ 25 tiếng. Họ không còn duy trì thời gian theo cùng nhịp với thế giới bên ngoài. Do đó, thời gian ngủ của họ cũng thay đổi theo từng ngày.
Thuật ngữ y học cho tình trạng này là rối loạn nhịp thức ngủ không theo chu kỳ 24 giờ. Đặc trưng của rối loạn này là khoảng thời gian ngủ ngon giấc khi đồng hồ sinh học theo cùng nhịp với thế giới bên ngoài, kèm theo những lúc ngủ kém và buồn ngủ kéo dài vào ban ngày. Nhịp sinh học được tạo ra bởi mảng mô não rất nhỏ gọi là nhân trên chéo (suprachiasmatic nucleus - SCN), dựa theo tín hiệu từ một nhóm tế bào hạch võng mạc nhạy sáng.
Nếu mắc kẹt dưới lòng đất, hoặc tổn thương ở mắt rộng tới mức não bộ không còn có thể nhận thức ánh sáng, bạn sẽ bắt đầu bị rối loạn nhịp thức/ngủ, giống như đội bóng nhí Thái Lan lúc này. Do ít có khả năng đồng hồ sinh học của tất cả thành viên trong đội giống nhau, khoảng thời gian họ cảm thấy buồn ngủ và tỉnh táo sẽ khác nhau. Điều này có thể gây ra vấn đề trong không gian hạn hẹp, khi có người muốn ngủ trong khi người khác lại cảm thấy tỉnh táo.
Đưa đèn điều chỉnh nhịp sinh học vào hang có thể giúp giảm bớt tác động của bóng tối đến đội bóng. (Ảnh: Alamy).
Trong các mô khác của chúng ta cũng có đồng hồ sinh học. Chúng được đồng bộ hóa với nhau nhờ SCN. Nếu bạn mắc kẹt dưới lòng đất, các đồng hồ đó cũng rối loạn theo. Sự rối loạn nhịp sinh học có liên quan tới trầm cảm, mất ngủ, rối loạn chuyển hóa và hormone, và giảm sút khả năng tập trung.
Khi 33 thợ mỏ mắc kẹt 69 ngày trong mỏ đồng ở Chile năm 2010, đèn điều chỉnh nhịp sinh học đặc biệt được thả xuống để mô phỏng chu kỳ sáng/tối tự nhiên bên ngoài. Cách làm tương tự cũng có thể được sử dụng ở Thái Lan. Nếu ánh sáng nhân tạo dùng vào ban ngày đủ sáng, nó có thể đánh lừa SCN tự điều chỉnh, cho phép đồng bộ với thế giới bên ngoài và giữ cho cơ thể sinh hoạt đúng giờ.