“Anh sẽ vắng nhà một lát!”

Mang trong mình lượng phóng xạ có thể gây chết người bất cứ lúc nào, một “cảm tử quân” 59 tuổi động viên vợ bằng những dòng e-mail vội vàng: “Em và con hãy tiếp tục sống khỏe nhé, anh sẽ phải vắng nhà một lát. Mọi người ở nhà máy đang chiến đấu”.


Các “samurai” tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản -
Ảnh: Technorati

Trong câu chuyện của New York Times, đó là một trong 180 người cuối cùng ở lại nhà máy, được chia ra các tổ đội để đảm bảo có 50 người luôn làm việc tại hiện trường và người ta gọi đó là đội quân Fukushima 50. Họ không được Công ty Điện lực Tokyo nêu tên, hình ảnh hay bất kỳ chi tiết nào khác nhưng có thông tin từ Jiji Press cho biết hầu hết những người này đều trên 50 tuổi và sắp đến tuổi nghỉ hưu.

“Tôi phải nuốt nước mắt vào trong khi nghe tin bố tôi, dù sẽ nghỉ hưu sau sáu tháng nữa, đã tình nguyện ở lại - con gái ông bày tỏ trên Twitter - Ở nhà bố có vẻ như không phải là người làm được việc lớn, nhưng hôm nay tôi thật sự tự hào về bố”.

Mẹ tôi chưa bao giờ khóc nấc lên như vậy. Bố đã đi đến nhà máy hạt nhân. Mọi người ở đó đang hi sinh bản thân để bảo vệ tôi và các bạn. Cầu cho bố còn sống trở về!

Đài truyền hình Nhật Bản NHK cũng trích đọc một lá thư thổ lộ: “Bố cháu vẫn làm việc ở nhà máy dù chẳng còn gì để ăn. Bố nói bố đã chấp nhận số phận sẽ kết thúc ở đó”.

Không phải đến khi có sự cố nổ ở lò phản ứng các chuyên gia Nhật Bản mới lao vào xử lý. Michiko Otsuki, một nhân viên nữ của Công ty Điện lực Tokyo, nói rằng ngay cả khi vừa động đất, họ đã bất chấp cảnh báo sóng thần giữ vững vị trí tại nhà máy Fukushima.

Lúc đó vào khoảng 3g đêm, dù không còn thấy gì nữa chúng tôi vẫn tiếp tục công việc tuy biết chắc điều này sẽ liên quan đến mạng sống - Michiko kể lại - Giờ đây họ đang chiến đấu, không lùi bước, không chạy trốn ngay cả khi phải hy sinh”.

Vài công nhân nhà máy đã chết trong các vụ nổ ở Fukushima Daiichi và giờ đây lượng phóng xạ lên cao sẽ khiến 70% nhân viên trong phòng tuyến cuối cùng này có thể chết sau hai tuần nữa.

Những nhân viên này đang tham gia vào một sứ mệnh anh hùng - cựu quan chức Bộ Năng lượng Mỹ Robert Alvarez, bình luận - Ngoài phóng xạ, sẽ có nguy cơ nổ khí hydro rất lớn, đủ để đánh bay hai tòa nhà”.

Tiến sĩ Ira Helfand đến từ Tổ chức Các nhà vật lý vì trách nhiệm xã hội của Mỹ nói: “Những nhân viên cứu hộ này được đào tạo để hiểu các mối nguy hiểm. Họ biết rằng nếu lò phản ứng tan chảy hoàn toàn, sẽ có thảm họa lớn tác động đến nhiều vùng rộng lớn và rất nhiều người. Tất cả chúng ta biết ơn họ”.

Thế giới đã biết đến và tôn vinh tinh thần của người Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với tinh thần võ sĩ đạo “khi nằm xuống như hoa anh đào rơi, cánh vẫn vẹn, màu vẫn tươi”. Thật không quá lời khi nói rằng sự an toàn của hàng nghìn người Nhật Bản đang nằm trong tay của đội ngũ cảm tử này.

Tất nhiên, “phòng tuyến” cuối cùng này là những chuyên gia về hạt nhân và họ hiểu hơn ai hết mối nguy hiểm của phóng xạ đối với sức khỏe. Dù có trong tay những thiết bị bảo vệ tối tân nhất, họ vẫn biết rằng các phân tử phóng xạ có thể xuyên qua bất kỳ quần áo bảo hộ nào, thấm qua da, vào máu, vào phổi…

Nhưng họ vẫn bò qua những hệ thống thiết bị phức tạp của nhà máy để làm nhiệm vụ. Xung quanh họ là bóng tối và với chiếc đèn pin trong tay, họ lắng nghe tiếng nổ đều đều khi khí hydro thoát ra khỏi lò phản ứng và tác động với không khí bên ngoài.

Trên lưng họ là những bình oxy, máy trợ thở nặng nề, trên người họ là bộ quần áo bó sát có khả năng ngăn chặn một phần phóng xạ. Nếu họ không tiếp tục công việc, lò phản ứng sẽ có nguy cơ tan chảy hoàn toàn, khiến hàng nghìn tấn bụi phóng xạ sẽ bay vào không khí, làm hàng triệu đồng bào của họ gánh chịu thảm họa.

Đến hôm nay đội ngũ này vẫn dùng các phương án khác nhau để làm nguội lò phản ứng ở Fukushima Daiichi như dùng trực thăng đổ nước biển xuống. Nhưng vẫn chưa có kết quả. Dù vậy, Nhật Bản đang được hỗ trợ của các chuyên gia hạt nhân quốc tế để chống chọi với thảm họa này. Hôm qua, Mỹ đã chuyển tới đây các bơm cao áp để chung sức làm nguội lò phản ứng.

Sẽ không có một thảm họa Chernobyl thứ hai ở Nhật Bản nhưng sự cố đến nay vẫn khiến nhiều người so sánh nó với Chernobyl. Khi thảm họa xảy ra vào năm 1986, 176 nhân viên của nhà máy điện đã phơi nhiễm lượng lớn phóng xạ và nhiều người đã chết vài tuần sau đó, 28 người chết trong 3 tháng sau đó, 106 người bị bệnh liên quan đến phóng xạ như nôn ói, tiêu chảy, giảm tế bào máu, ung thư máu.

Những nhân viên ở Chernobyl bị phơi nhiễm lượng phóng xạ lớn hơn nhiều lần so với Fukushima Daiichi hiện nay, nhất là những phi công lái trực thăng bay trên lò phản ứng để đổ chất dập lửa xuống.

Hiện nay, lượng phóng xạ ở Fukushima Daiichi vào khoảng 400 millisievert/giờ sau khi có vụ nổ bên trong lò phản ứng số 2 và hỏa hoạn ở lò phản ứng số 4. Khi mức phóng xạ đạt 1.000 millisievert, nó có thể gây ra các bệnh về phóng xạ kể trên. Trong khu vực có mức phóng xạ cao, các nhân viên sẽ đổi ca liên tục trong vòng vài phút.

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video