Không chỉ có đường đi kỳ lạ khác hẳn với dự báo, vùng áp thấp xuất phát từ Biển Đông vài ngày trước đã đổi hướng bất ngờ. Cùng lúc lại xuất hiện một vùng áp thấp mới ngay gần nó và có thể sẽ tạo nên một hiện tượng thời tiết hiếm gặp.
Vùng áp thấp hình thành ở Biển Đông khoảng một tuần trước, gọi là 99W, ban đầu ở giữa Việt Nam và Malaysia, đã chứng minh sự khó dự báo của nó khi đi một mạch khoảng 3.000km và sang đến Ấn Độ Dương vào sáng 28/11.
Trong khi các cơ quan khí tượng cho rằng áp thấp 99W sẽ tiếp tục di chuyển về phía Tây thì một lần nữa, nó thể hiện sự khó đoán của mình khi đột ngột ngoặt hẳn xuống phía Nam rồi chuyển sang hướng Đông Nam vào chiều 28/11, lúc đó áp thấp 99W được xác định là ở gần Indonesia.
Áp thấp 99W đi từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương. (Ảnh: Zoom Earth, JMA).
Cùng thời điểm này, một áp thấp mới hình thành ở ngay gần áp thấp 99W. Áp thấp mới này được gọi là 95B, có sức gió là 35 km/h vào tối 28/11. 95B hiện di chuyển theo hướng Tây Bắc, tức là ngược với 99W. Điều thú vị là đường di chuyển của 2 áp thấp này từ chiều đến khuya 28/11 tạo thành 2 đoạn thẳng thực sự song song. Ở thời điểm tối 28/11, 2 áp thấp này chỉ cách nhau khoảng hơn 60km.
Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ, cả hai áp thấp 99W và 95B đều có rất ít hoặc gần như không có khả năng phát triển thành bão trong 24 giờ tới. Tuy nhiên, nếu chúng mạnh lên thì có thể tương tác, tạo ra một hiện tượng hiếm gặp, đó là chúng hợp nhất thành một vùng áp thấp mạnh hơn, thậm chí có thể thành bão. Cũng có khả năng (thấp hơn) là sự tương tác này làm đổi hướng của một hoặc cả hai áp thấp.
Hình ảnh gió cuộn quanh 2 áp thấp. (Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap).
Sự tương tác như trên thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cường độ, kích thước của 2 vùng áp thấp, khoảng cách giữa chúng và điều kiện khí quyển xung quanh chúng. Vì vậy, hiện tại các cơ quan khí tượng vẫn theo dõi 2 áp thấp này chứ chưa thể đưa ra các dự báo cụ thể, đặc biệt là khi các hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên khó lường.