Bạch tuộc hy sinh cánh tay để trốn thoát cá chình

Video do thợ lặn quay hé lộ bạch tuộc có thể bịt mang, làm mù mắt hoặc thậm chí hy sinh cánh tay trong nỗ lực đối phó với cá chình to gấp nhiều lần.


 (Video: Jorge Hernández-Urcera)

Cá chình biển là đối thủ nặng hơn ít nhất 3 lần của bạch tuộc. Nhưng trong video do Jorge Hernández-Urcera, nhà sinh thái học hải dương ở Viện nghiên cứu biển thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha, và cộng sự chia sẻ, bạch tuộc đối phó với kẻ thù lớn hơn bằng cách che mắt cá chình, nhét cánh tay vào miệng nó và bịt mang, theo Wiley Online Library.

"Tôi nghĩ chênh lệch lớn về kích thước sẽ khiến bạch tuộc khó thoát khỏi cái chết", Hernández-Urcera nói. Tuy nhiên, con bạch tuộc không chỉ tự vệ thành công mà dường như còn chiếm thế thượng phong. Những thợ lặn quay video làm gián đoạn cuộc chiến, hai con vật sống sót, bạch tuộc bỏ đi sau khi phun mực.

Nhóm nghiên cứu của Hernández-Urcera thu thập các video và phân tích hành vi chưa từng được mô tả trước đây. Ông tin chắc video quay năm 2008 ngoài khơi Galicia ở tây bắc Tây Ban Nha, cho thấy trí thông minh của bạch tuộc và độ phong phú của hành vi tự vệ. Nhưng như vậy chưa đủ để chỉ ra kỹ thuật này là một kiểu ra đòn thông thường của bạch tuộc.

Gần đây hơn, Hernández-Urcera thu được thêm video để chứng minh bạch tuộc sẽ làm nghẹt họng, gây mù mắt, thậm chí hy sinh các chi trong nỗ lực tự vệ trước cá chình to hơn nhiều. Ông công bố nghiên cứu trên tạp chí Ecology and Evolution. Trong video năm 2022 quay ở ngoài khơi vùng Asturias phía bắc Tây Ban Nha, một con bạch tuộc khác sử dụng chiến thuật tương tự để chống lại cá chình tấn công. Đáp lại, cá chình nhanh chóng xoay tròn để thoát khỏi tay bạch tuộc. Ở thời điểm bạch tuộc trốn thoát, nó làm bật nhãn cầu ở một bên mắt của cá chình thông qua giác hút cực khỏe.


Cá chình mất một mắt trong cuộc chiến với bạch tuộc.

Trong mỗi video, bạch tuộc có thể hy sinh cánh tay, tương tự thằn lằn tự rụng đuôi để phân tán sự chú ý của động vật săn mồi, theo Hernández-Urcera. Trong video đầu tiên, bạch tuộc mất 3 cánh tay còn cá thể trong video thứ hai mất hai cánh tay, nhưng chúng có thể mọc lại đầy đủ các chi trong khoảng 45 ngày, theo một số thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, bạch tuộc không phải luôn giành phần thắng. Trong video thứ ba quay năm 2023 ở gần Galicia, cá chình túm được đầu bạch tuộc, sau đó xoay tròn nó và đập mạnh vào mỏm đá. Con bạch tuộc dường như bị tê liệt và cá chình bơi đi cùng với con mồi.

Piero Amodio, nhà sinh vật học và tâm lý học so sánh ở Trạm động vật học Anton Dohrn ở Naples, Italy, cho rằng khi che mang cá chình, cánh tay của bạch tuộc có thể hoạt động theo bản năng. Ông chia sẻ từng quan sát nhiều cuộc chiến giữa những con bạch tuộc, trong đó một con bịt lỗ mang của đối thủ bằng cánh tay để làm nó ngạt thở.

Hernández-Urcera không biết chắc các kỹ thuật chiến đấu trong video mà ông thu thập mang tính bản năng hay là hành vi học hỏi. Cá chình biển thường săn mồi vào ban đêm trong khi video được quay vào ban ngày. Nhà nghiên cứu cho rằng những cuộc đụng độ kiểu này có thể xảy ra thường xuyên.

Cập nhật: 22/05/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video