Bạch tuộc và cá mú hợp lực săn mồi dưới đáy biển Australia

Cá mú thông minh biết mượn tay bạch tuộc để lùa con mồi trốn kỹ trong kẽ đá bơi thẳng vào miệng một trong hai kẻ đi săn.

Mối quan hệ cộng tác để bắt mồi giữa bạch tuộc và cá mú được ghi hình lần đầu tiên bởi các nhà làm phim tài liệu tự nhiên Blue Planet II của BBC ở rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Australia, Telegraph hôm 11/11 đưa tin.

Bạch tuộc và cá mú cùng săn một loài cá nhỏ giỏi luồn lách trong rạn san hô và thường trốn trong những kẽ đá nhỏ tới mức cá mú không thể đuổi theo. Nhưng loài cá lớn nghĩ ra một giải pháp đặc biệt. Sau khi dồn con cá vào một kẽ đá, cá mú chuyển màu nhạt hơn để thu hút sự chú ý của bạch tuộc. Sau đó, nó bơi dốc đầu xuống và vẫy đuôi để phát tín hiệu bữa ăn đang trốn trong hốc. Về phần mình, bạch tuộc thò xúc tu dài và mảnh vào kẽ đá, lùa con mồi ra ngoài.


Cá mú và bạch tuộc ở rạn san hô Great Barrier. (Ảnh: BBC).

"Con cá nhỏ hoảng sợ và bơi thẳng vào miệng cá mú. Đôi khi, bạch tuộc được hưởng phần, đôi khi là cá mú. Những loài vật rất khác biệt này đã phát hiện sự cộng tác có thể đem lại thành công", ngài David Attenborough, người dẫn chương trình, cho biết.

Các nhà khoa học cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa bạch tuộc và cá mú, bao gồm ngôn ngữ tín hiệu dạng thô, thể hiện sự thông minh sánh ngang với loài quạ và thậm chí tinh tinh, họ hàng gần nhất của con người.

"Khi chứng kiến hành vi đó lần đầu tiên, tôi hết sức kinh ngạc. Điều thú vị là ý đồ đằng sau. Cá mú lập ra kế hoạch và lường trước kết quả, sau đó tiến hành. Điều này cho thấy trình độ thông minh tương tự như tinh tinh. Chúng tôi từng thấy cá mú ra tín hiệu kiểu lộn ngược đầu và vẫy đuôi để thu hút sự chú ý của lươn moray, nhưng những con lươn không đạt kết quả như mong muốn. Cá mú đôi khi phải bơi tới và đẩy chúng theo đúng hướng. Chúng không cần làm vậy với bạch tuộc", tiến sĩ Alex Vail ở Đại học Cambridge, Anh, người dẫn cả đoàn tới địa điểm quay phim, chia sẻ.

"Chúng ta phát hiện ra loài cá này có khả năng lên kế hoạch trước và hợp tác săn mồi với một loài hoàn toàn không liên quan, trong trường hợp này là một con bạch tuộc. Cá mú tìm thấy con mồi và nếu không thể bắt gọn nó trong rạn san hô, cá mú sẽ liên lạc với bạch tuộc. Chỉ cần con mồi lộ diện, cá mú sẽ có 50% cơ hội bắt được nó và 50% cơ hội còn lại thuộc về bạch tuộc", Jonathan Smith, nhà sản xuất tập phim cho biết.

Cập nhật: 13/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video