Trước khi có công trình của bác sĩ Dominique Larrey, rất ít các đơn vị được trang bị bộ sơ cứu đầy đủ. Mãi tới năm 1792, khi quan sát pháo bay trong các trận chiến dọc sông Rhine, ông đã nảy ra ý tưởng về flying ambulances – cứu thương bay.
Hình vẽ xe cứu thương bay.
Trước đây, quy định của quân đội là giữ người bị thương trong những toa xe bệnh nhân khổng lồ và cồng kềnh cho đến khi trận chiến kết thúc, đôi khi họ phải đợi 24-36 giờ trước khi các đội ngũ y tế có thể tiếp cận họ. Và, những chiếc xe “cứu thương bay” của Larrey chính là những chiếc xe ngựa nhỏ có cáng cứu thương, trong nhiều trường hợp có thể hoạt động như một bàn mổ khẩn cấp, đây cũng là đội cứu thương cơ động hỗ trợ quân đội của Napoleon trong chiến trận.
Họ mang đầy đủ dụng cụ y tế để sơ cứu và có thể đưa được người bị thương đến bệnh viện. Nhờ đây, Larrey trở thành bác sĩ trưởng của quân đội Pháp và sau đó, ông cũng phát triển ý tưởng xe cứu thương để đưa người bị thương tới bệnh viện dã chiến nhanh nhất có thể.
Larrey cũng phát triển việc phân loại bệnh nhân, theo đó những người bị thương sẽ được điều trị theo mức độ nghiêm trọng của vết thương chứ không phải theo cấp bậc quân sự của họ. Ông ấy cũng rất tin tưởng vào việc loại bỏ chi càng sớm càng tốt để cứu sống bệnh nhân và trong Trận chiến Borodino, bác sĩ Larrey được cho là đã thực hiện 200 ca cắt cụt chi chỉ trong 24 tiếng đồng hồ. Ông cũng là người đầu tiên mô tả tác dụng điều trị của những con giòi đối với các vết thương hở.