1h ngày 17/7, bão Talas đi vào vùng giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh với gió giật cấp 10, nhiều cây xanh, cột điện gãy đổ.
Khoảng 21h30 ngày 16/7, rìa của bão Tatas quét vào ven biển tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên phải đến 1h sáng 17/7, tâm bão mới đi vào đất liền.
Tại thị xã Cửa Lò, gió giật mạnh và đảo chiều liên tục, kèm theo mưa xối xả. Nhiều du khách lưu trú tại khách sạn ven biển không thể ngủ được bởi tiếng gió rít qua khe cửa liên hồi, thi thoảng có tiếng mái tôn bay loảng xoảng.
Tại TP Vinh, được chính quyền bắc loa thông báo, các nhà dân đều tắt điện, đóng kín cửa. "Ở trong nhà, tôi nghe gió rít mạnh, tiếng cây đổ, chỉ lo mái ngói ngôi nhà cấp 4 bị thổi tung", chị Trần Thị Thư, trú phường Quán Bàu nói.
Cây ngã trên đường Sào Nam, thị xã Cửa Lò. (Ảnh: Nguyễn Hải).
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, TP Vinh có gió giật khoảng cấp 10, kéo dài khoảng 3 giờ liên tục tới 3h30 ngày 17/7. Nhiều tuyến đường của thành phố như Hà Huy Tập, Trần Phú, Phan Sỹ Thục, Nguyễn Sỹ Sách..., cây đổ ngổn ngang.
Bản tin lúc 3h15 của Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ cho hay, 1h ngày 17/7 bão Talas đổ bộ Nghệ An - Hà Tĩnh với hoàn lưu gió mạnh cấp 7-8. Tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An) gió giật cấp 12, đất liền ven biển gió giật cấp 9-10, riêng Hoành Sơn (Hà Tĩnh) cấp 11.
Tới 2h, tâm bão nằm trên đất liền Nghệ An - Hà Tĩnh, sức gió mạnh nhất đạt cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Nhiều hàng quán ở Cửa Lò tan hoang sau bão. (Ảnh: Hải Bình).
Tại Hà Tĩnh, bão quét qua Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, sức gió khoảng cấp 8, ông Ngô Đức Hợi, Trưởng ban phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết.
TP Hà Tĩnh lúc 4h trời mưa như trút, một số tuyến đường bị ngập. Hàng chục cây xanh bị đổ ngổn ngang đè lên dây điện. Nhiều biển quảng cáo của cửa hàng bị gió giật tung.
Tới 4h, tâm bão trên vùng núi Nghệ An - Hà Tĩnh, sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10. Đến 6h, bão đã suy yếu và sang địa phận Lào. Hà Tĩnh, Nghệ An chỉ còn gió cấp 5-6, mưa nhỏ.
Các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão và thống kê thiệt hại. Ghi nhận ban đầu chưa có thiệt hại về người bị thương.
Bão tan, lũ lên nhanh
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ 7h ngày 16/7 đến 4h ngày 17/7 phổ biến 70-150 mm, riêng khu vực Nghệ An - Quảng Bình 100-250 mm.
Mực nước các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang lên, riêng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình) lên rất nhanh. Lúc 4h, mực nước các sông này đều trên báo động 1.
Trong 6 giờ tới, lũ trên thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Gianh sẽ đạt đỉnh ở mức báo động 2, sau đó xuống nhanh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có nguy cơ xảy ra lũ quét ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.