Vicente - cơn bão thứ tư hoạt động trên Biển Đông - đang mạnh dần, dự kiến đổ bộ vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng rạng sáng 25/7. Hà Nội, Hải Phòng được chỉ đạo sẵn sàng phương án chống ngập.
>>> Tin bão gần bờ, cơn bão số 4
Sáng 23/7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã có cuộc họp nhằm ứng phó với bão Vicente. Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng, sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía đông bắc với sức gió mạnh nhất đạt cấp 9-10. Ngày và đêm nay, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, tốc độ 10-15km mỗi giờ và có khả năng mạnh thêm.
Sáng 24/7, tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) chừng 150km về phía đông với sức gió mạnh nhất đạt cấp 10, có thể lên tới đầu cấp 11. Trưa cùng ngày, bão vượt báo đảo Lôi Châu, tiến về bờ biển các tỉnh đông bắc. Đến chiều tối 24/7, bão tiếp cận vùng biển tỉnh Quảng Ninh, tâm bão sát với Móng Cái.
Theo ông Tăng, bão sẽ đổ bộ vào sáng 25/7, sau đó nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng thấp. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp là Quảng Ninh, Hải Phòng. Các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa trở ra là vùng hoàn lưu bão.
Chùm ảnh đường đi và vị trí của cơn bão
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng cho hay, mưa do bão sẽ kéo dài khoảng 2 ngày (từ chiều 24 đến trưa 26/7) với tổng lượng mưa 100-300mm, một số điểm lên tới 400mm. Như vậy, cộng thêm với lượng mưa hôm qua và hôm nay, nhiều nơi có tổng lượng mưa lên tới tới 500-600mm. Vùng mưa tập trung ở các khu vực Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc. Cũng theo ông Tăng, từ lúc hình thành, cơn bão có hướng di chuyển thay đổi liên tục. Vì thế, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến.
Nhắc lại cảnh báo của cơ quan khí tượng, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhắc nhở, diễn biến cơn bão đã thay đổi tức là sẽ có thể còn thay đổi. Lưu ý vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng nuôi trồng thủy sản nhiều, ông Phát yêu cầu các tỉnh hướng dẫn ngư dân trong ngày mai vào bờ. Đặc biệt, ông yêu cầu hai địa phương này tùy tình hình ra lệnh cấm biển, không vì đã đăng ký tour du lịch mà bỏ qua cảnh báo bão do bài học từ nhiều năm nay là không chìm tàu cá mà chìm tàu du lịch neo đậu tại bến.
Cũng theo ông Phát, ngoài phòng chống trên biển, trên bờ cũng có nhiều việc đáng lo như sạt lở các bãi thải than gây chết người, triều cường kết hợp nước biển dâng... "Dự báo mưa tập trung vào vùng núi đất, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao, vì thế, trong ngày mai cần phương án sơ tán", ông Phát nhấn mạnh.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, cần đặc biệt cảnh giác với tình hình mưa, không để mưa bão chia cắt giao thông. Ông Hải yêu cầu các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng sẵn sàng phương án chống ngập.
Để ứng phó với khu vực bão đổ bộ, ông Hải yêu cầu cử hai đoàn công tác tới Quảng Ninh và Hải Phòng. Các đoàn cần đến sớm trước khi bão vào để kiểm tra lồng bè đưa người, đưa tàu thuyền neo đậu, đúng phương pháp, chằng chống nhà cửa...
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo hai đoàn công tác đến
Quảng Ninh, Hải Phòng sớm để ứng phó với bão. (Ảnh: Nguyễn Hưng)
Đối với tàu thuyền trên biển, Phó thủ tướng chỉ đạo kêu gọi tàu đi về phía Nam để tránh bão. "Mỗi lần đi cứu nạn rất tốn kém, nhưng cái chính là nguy hiểm cho người đi cứu nạn. Vì thế, tốt nhất là dự báo, thông báo sớm để kêu gọi sớm tàu thuyền vào bờ", Phó thủ tướng nói.
Để đối phó với bão Vicente, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão đã có công điện gửi các địa phương. Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Văn Tú, tỉnh Quảng Ninh đã cấm tàu cá ra khơi từ ngày 22/7. Hiện, Quảng Ninh và Hải Phòng đang theo dõi thêm để cấm tàu du lịch ở Vịnh Bắc Bộ và bảo vệ các phương tiện hoạt động ven biển. Ngoài ra, toàn bộ các tỉnh từ Quảng Ninh tới Phú Yên đều được chỉ đạo nắm bắt hoạt động của tàu thuyền.
Theo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 23/7, biên phòng các tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng và các lực lượng thông báo, hướng dẫn cho 48.184 tàu và 186.060 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong số này có 165 tàu (1.648 lao động) hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; 8.239 tàu, lồng bè (40.236 lao động) hoạt động ở khu vực biển Vịnh Bắc Bộ và vùng biển khơi thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng. Hiện chưa có thiệt hại về tàu thuyền.