Mùa bão thường xảy ra mỗi năm ở các vùng nhiệt đới, khoảng giữa tháng sáu đến tháng mười hai, khi mà dải hội tụ nhiệt đới hoạt động ở cách xa xích đạo từ 5-200 của hai bán cầu.
Các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực cứu những con tàu bị sóng đánh ở đông sông Hàn |
Bão là một hiện tượng thiên nhiên được các nước sắp xếp theo năm cấp tùy theo sức gió. Cấp 1 sức gió tối đa 50km/giờ, loại dữ dội nhất (cấp 5) có sức gió 250 - 300km/giờ.
Nước ta là một nước nhiệt đới, hằng năm có khoảng trên dưới 10 cơn bão lớn nhỏ, gió mạnh nhất tới mức 80 - 100km/giờ, nhưng cũng không ít cơn bão đạt đến mức 120 - 130km/giờ, cá biệt cũng có trường hợp trên 130km/giờ như cơn bão năm Thìn (1904), cơn bão số 8 (Cecil) 16-10-1985 đã gây thiệt hại nhiều cho Huế, và cơn bão số 5 (Linda) 1997 đã đổ vào các tỉnh ven biển miền Nam, từ Vũng Tàu - Côn Đảo đến mũi Cà Mau gây thiệt hại lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Vào các tháng sáu đến tháng chín bão thường ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc, từ tháng chín đến cuối năm đến các tỉnh phía Nam (từ Thừa Thiên - Huế trở vào).
Sự di chuyển của bão là một vấn đề rất quan trọng đối với các chuyên viên dự báo thời tiết, vì hoàn toàn lệ thuộc hệ thống thời tiết xung quanh và hệ thống này luôn thay đổi. Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, có thể nhìn thấy khả năng hình thành của một cơn bão từ khi mới là một đám mây đối lưu, nhưng biết trước chính xác hướng di chuyển còn là vấn đề nan giải.
Ngay cả cơn bão Damrey (số 7) vừa qua, cùng ngày lần lượt thổi qua đảo Hải Nam, Quảng Đông (Trung Quốc) và VN. Về phía Trung Quốc, các nguồn tin cho biết sức gió mạnh gần 200km/giờ, lớn nhất từ hơn 30 năm nay, thiệt hại lên đến 1,2 tỉ USD. Còn ở ta thì lại đưa tin chỉ có từ cấp 9 đến hơn cấp 12 suốt chiều dài và hướng di chuyển của cơn bão này.
Tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc bị xâm thực nặng do triều cường (ảnh chụp trưa 1-11) |
Bão chính là một vùng gió xoáy khổng lồ có đường kính hàng chục hay hàng trăm kilômet với độ cao lên tới 20km.
Một cơn bão trung bình mang năng lượng lớn hơn cả một quả bom khinh khí phát nổ mỗi phút. Có thể làm gì để giảm bớt sức tàn phá của các cơn bão, khi mà chúng ta không thể kiểm soát được năng lượng của chúng? Việc tốt nhất mà chúng ta hi vọng có thể làm được là canh chừng các cơn bão.
Hiện nay vệ tinh nhân tạo làm công việc này rất hiệu quả và thông báo kịp thời về các cơn bão để chúng ta di dời, tìm chỗ ẩn nấp an toàn. Tuy nhiên chúng ta không thể nào ngăn chặn hoặc chống lại được các cơn bão, mà chỉ có thể dự báo, phòng tránh để hạn chế mức thiệt hại tối thiểu mà thôi.
Vì bão cần có hơi nước nên hầu hết các cơn bão trở nên dịu dần khi vào đất liền và chỉ trong vài ngày là tự tan. Trong tương lai, nếu như Trái đất chúng ta bị nóng hơn vì ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính thì có thể số cơn bão sẽ gia tăng đáng kể. Nhiệt độ ở biển là yếu tố chính tạo thành các cơn bão, và nếu như ngày càng có nhiều vùng biển có nhiệt độ trên 27oC thì nghĩa là có thêm nhiều vùng hình thành các cơn bão.
NGÔ TUỆ