Chỉ vài ngày sau khi bị một vết xước nhỏ ở tay, bà mẹ 2 con ở Anh đã nhanh chóng qua đời. Các bác sĩ đang cảnh báo căn bệnh gây tử vong hơn cả 2 căn bệnh ung thư và AIDS cộng lại.
Trong một lần làm vườn, chị Lucinda Smith, 43 tuổi vô tình bị xước trên tay. Cứ tưởng đó là vết thương bình thường nên chị vẫn đi làm và chăm con mà không mảy may quan tâm đến nó.
Nhưng vài ngày sau, chị cảm thấy bị đau ở vai nên quyết định đi khám bác sĩ. Chị được chẩn đoán bị chèn dây thần kinh và được kê thuốc giảm đau, yêu cầu thư giãn đồng thời nên trị liệu vật lý.
Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, tình trạng bệnh tình cũng không cải thiện, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn. Các ngón tay và cánh tay tấy đỏ, chị bị nôn mửa và bị đau nhiều hơn.
Bà mẹ 2 con tử vong vì nhiễm trùng máu từ một vết xước nhỏ ở tay.
Bà mẹ 2 con này tiếp tục đi khám và bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy chị bị nhiễm trùng máu, một dạng ngộ độc máu.
Ngay sau đó, chị nhập viện và được điều trị tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch. Thế nhưng, chỉ sau 1 đêm, sức khỏe của Smith yếu hơn, phải chuyển sang khoa chăm sóc đặc biệt, thở bằng máy và tiêm kháng sinh liều cực nặng.
Đến ngày hôm sau, chị bắt đầu bị suy tạng và đến buổi tối ngày hôm đó, chị bị suy tim, suy thận, suy hô hấp rồi qua đời. Bác sĩ kết luận chị Smith đã chết vì sốc độc tố gây ra bởi nhiễm trùng máu.
"Đừng bao giờ đánh giá thấp kẻ giết người thầm lặng này", Caroline, em gái nạn nhân cảnh báo.
Sau sự ra đi đột ngột của chị Lucinda Smith, gia đình đã tham gia các buổi tuyên truyền về sự nguy hiểm của nhiễm trùng máu.
Cách đây chưa đầy 1 tuần, tờ Daily Mail đưa tin anh Michael Berger (46 tuổi, sống tại New Jersey, Mỹ) đã phải trải qua 3 tuần hôn mê và cơ hội sống sót giảm xuống chỉ còn 50/50 sau khi bị đứt tay do giấy cứa.
May mắn, sau nhiều tuần chạy chữa, Berger đã được cứu chữa kịp thời, thoát khỏi căn bệnh nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng hoạt động của các cơ quan nội tạng trong một thời gian ngắn.
Trước sự nguy hiểm của căn bệnh có thể cướp đi mạng sống của con người chỉ sau vài giờ, cơ quan chức năng ở Mỹ và Anh liên tiếp kêu gọi mọi người hãy cảnh giác cao độ với những vết xước ngoài da, dù là nhỏ nhất.
"Với một số ca bệnh bị nhiễm trùng máu, sự sống của bệnh nhân được đếm từng giờ.Thậm chí nếu bạn không có một dấu hiệu cảnh báo đặc trưng nào, nhưng cứ thấy người ngày càng mệt mỏi và không thể kiểm soát ý thức, bạn hãy đi khám ngay", Ron Daniels, Chủ tịch Quỹ Nhiễm trùng máu của Anh cảnh báo.
Do chủ quan với một vết xước nhỏ trên tay, chị Smith đã qua đời, để lại 2 đứa con bơ vơ.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã khuyến cáo đội ngũ y tế phải điều trị bệnh nhân nhiễm trùng máu cấp bách giống như với bệnh nhân bị đau tim.
Họ phải tự hỏi: Đây có phải là ca nhiễm trùng máu không nếu thấy bệnh nhân có triệu chứng phát ban, sốt cao hoặc mạch đập nhanh.
Bất cứ ai bị nghi ngờ mắc căn bệnh chết người này phải được chuyển cấp cứu ở bệnh viện và được các bác sĩ, y tá có kinh nghiệm theo dõi.
"Với những bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, bước đầu tiên là phải tiêm thuốc kháng sinh và dịch IV ngay lập tức, để tránh rơi vào tình trạng sốc độc tố", bác sĩ Marianne Kraemer, người trực tiếp điều trị cho anh Michael Berger nhấn mạnh.
Ở Anh mỗi năm có khoảng 150.000 ca, trong đó 44.000 trường hợp tử vong, nhiều hơn số ca chết do ung thư ruột, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại.
Còn Mỹ hàng năm cũng tiếp nhận khoảng 1 triệu người mắc bệnh nhiễm trùng máu và 258.000 người tử vong, nhiều hơn cả số người chết vì ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và AIDS cộng lại.
Dấu hiệu nhận biết để cấp cứu kịp thời Nhiễm trùng máu do tình trạng nhiễm trùng liên quan đến tiểu đường, ung thư hoặc vết thương ngoài da. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị suy tạng và dẫn đến tử vong. Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng máu nhưng người già và người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em dễ mắc hơn nhiều. Từ một vết thương ngoài da, sau đó xuất hiện những biểu hiện như thở nhanh, sốt cao hoặc cảm lạnh, người run lẩy bẩy, đau người, đổ mồ hôi, hôn mê sâu, không đi tiểu trong vòng 12 giờ thì đi khám bác sĩ ngay. Một khi bị nhiễm trùng máu, việc điều trị bằng thuốc kháng sinh cần thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1 giờ sau khi được chẩn đoán. |