Trọng trách "bảo mật máy tính" phải được giao cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), chứ không phải "tống vào tay" người dùng bình thường, Chủ tịch hãng bảo mật F-Secure tuyên bố.
Theo ông Kimmo Alkio, khác với khách hàng cá nhân, ISP có trong tay cả một đội ngũ chuyên gia công nghệ.
Chính vì thế, họ đủ sức (và nên) cầm chịch chuyện bảo mật hệ thống, đảm bảo cho người dùng mức độ an toàn cao nhất.
"Sẽ là thiếu sót nếu các ISP không cung cấp bảo mật như một dịch vụ theo kèm. Ngoài dân IT, chẳng có người dùng bình thường nào mặn mà với ý nghĩ bước vào hàng IT, mua phần mềm bảo mật rồi về nhà hì hục cài đặt vào máy cả".
"Các ISP nên cung cấp dịch vụ bảo mật này với một mức giá phụ trội nho nhỏ. Tôi dám cá là bảo mật sẽ giúp họ có thêm rất nhiều khách hàng và tạo nên sự khác biệt cho một thương hiệu ISP - điều mà đôi khi cước rẻ chưa chắc đã làm được".
Lợi cả đôi bên
"Lấy thí dụ như thành công của ISP Geek Squad. Mặc dù mới đi vào hoạt động tại Anh chưa bao lâu, nhưng nhờ cung cấp dịch vụ bảo mật - thay vì đùn đẩy trái bóng vào chân người dùng hoặc nhà sản xuất máy tính - số lượng khách hàng của họ đã tăng trưởng một cách ngoạn mục".
"Các nước đang phát triển như Ấn Độ có thêm 4-8 triệu người dùng Internet mới mỗi năm. Đại đa số họ đều không biết cách tự phòng thủ trước hacker và sẽ là mồi ngon cho các vụ tấn công. Số lượng máy tính zombie khổng lồ này là mối nguy hiểm đe dọa cả thế giới Internet chứ không cứ một ai".
Chính vì vậy, việc các ISP "lèo lái" con thuyền bảo mật là giải pháp logic và hợp lý nhất tại thời điểm này, vừa mang về thêm doanh thu cho ISP, lại vừa giúp người dùng thở phào nhẹ nhõm.
Trọng Cầm