Một cơn bão Mặt trời đang tiến đến và sẽ chạm vào Trái đất trong nay mai. Tác động của nó sẽ là gì?
Theo thông tin mới được ghi nhận từ NASA, một cơn bão Mặt trời cực mạnh đang hướng đến Trái đất, với khả năng gây ra những nhiễu loạn mạnh cho hệ thống năng lượng và vệ tinh trên hành tinh của chúng ta. Và cơn bão ấy sẽ chạm đến khí quyển của hành tinh Xanh trong hôm nay hoặc ngày mai.
Cụ thể, các chuyên gia cho biết trên bề mặt của Mặt trời đang xuất hiện một lỗ hổng lớn - chính là lỗ nhật hoa (sun's corona). Từ đây, những cơn gió Mặt trời với các hạt mang điện tích đang có tốc độ cực nhanh được phát ra, phóng đi khắp Thái dương hệ.
Lỗ nhật hoa (có màu đen) xuất hiện trên bề mặt của Mặt trời.
Theo NOAA (Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Hoa Kỳ), cơn bão này được xếp ở mức G2 - mức trung bình trong tổng số 5 thang đánh giá (gồm G, R và S). Đánh giá này dựa trên kích cỡ của lỗ nhật hoa và tốc độ dự đoán của dòng chảy điện tích.
Hiệu ứng dễ nhận thấy nhất của cơn bão từ lần này là hiện tượng cực quang hết sức rõ ràng tại phương Bắc. Những người ở các khu vực có vĩ độ cao tại Mỹ và Anh đều có thể nhìn thấy hiện tượng này.
Tuy nhiên, một hiệu ứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra, đó là bão từ can thiệp được đến mạng lưới điện của nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng đến hệ thống năng lượng của họ. Hệ thống truyền hình vệ tinh cũng sẽ bị nhiễu loạn mà không có cách nào giải quyết, cho đến khi cơn bão đi qua.
Dù chỉ là bão không quá mạnh, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến mạng lưới công nghệ thông tin của con người.
Ngoài ra, do bão từ còn tác động đến hệ thống từ trường của Trái đất, một số chuyến bay cũng có thể bị hủy, gây ra các thiệt hại về kinh tế.
Được biết, Mặt trời hoạt động theo chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm. Hiện tại, ngôi sao chủ của Thái dương hệ đang ở giai đoạn ít hoạt động, dự tính cho đến ít nhất 2019-2020.
Dù vậy, các ảnh hưởng từ bão Mặt trời là vẫn có. Dù chỉ là bão không quá mạnh, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến mạng lưới công nghệ thông tin của con người. Thậm chí, từ trường phát ra có thể khiến các mảnh rác vũ trụ của chúng ta... nhảy loạn xạ, dễ va vào các vệ tinh hơn.
NASA và NOAA hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi các hoạt động từ Mặt trời thông qua tàu thăm dò và kính thiên văn vũ trụ. Với đánh giá lần này, các chuyên gia cảnh báo rằng các nước nên chuẩn bị trước khả năng không may hệ thống điện bị nhiễu loạn.