Bão Rammasun đã sang Trung Quốc

Khoảng 4 giờ sáng 19/7, mưa lớn bắt đầu đổ xuống Móng Cái và các đảo tiền đồn Bạch Long Vĩ, Cửa Ông, gió mạnh dần lên cấp 6-7.

11:30

Nhiều khu vực ở thủ đô có gió nhẹ, đặc biệt khu vực Mỹ Đình, Khu nhà KeangNam, đường Phạm Hùng là điểm hút gió, khiến các phương tiện đi qua đây gặp khó khăn.

Nhiều người đi xe máy bị gió cản, thậm chí phải dừng lại. Những cơn gió kèm theo mưa nhẹ trên hầu hết các tuyến phố trung tâm, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hà Nội, toàn bộ trên 626 km đê từ cấp đặc biệt đến cấp 5 và tất cả các trạm bơm tiêu của 30 quận, huyện đã sẵn sàng đối phó với cơn bão Rammasun. Hơn 1.000 trạm bơm tiêu với trên 3.500 máy bơm các loại, có tổng lưu lượng 4,9 triệu m3/h của các địa phương và 5 đơn vị thủy lợi trên địa bàn toàn thành phố đã sẵn sàng ứng trực đối phó với trường hợp úng ngập.

Công ty công viên cây xanh cũng hoàn thành việc cắt tỉa cây nặng tán, cành gãy nguy hiểm trong chiều 18/7. Ban Quản lý dự án Thoát nước cũng bố trí nhân vật lực ứng trực 100% quân số để sẵn sàng đối phó với mưa ngập sau bão.

10:30 3 người bị thương khi chằng chống nhà cửa

Bác sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn cho biết, đang nhận điều trị cho 3 bệnh nhân bị thương vào chiều 19/7 - trước khi bão vào.

Nặng nhất là anh Nguyễn Tiến Đức (40 tuổi, ở xã Đông Xá) bị kính rơi vào gây thương tích sâu vùng ngực. Bệnh nhân đã được băng bó, xử lý vết thương, cho dùng kháng sinh, hiện tỉnh táo. Hai trường hợp khác bị tai nạn do trèo lên mái nhà chằng chống nhà cửa. Trong đó, anh Nguyễn Trung Hiệp bị sang chấn vùng cổ, đau, không đi lại được. Trường hợp thứ hai là chị Nông Thị Thu bị ngã từ chuồng lợn ở độ cao 3 m gây sang chấn vùng thắt lưng, đau đang nằm theo dõi.

Theo bác sĩ Thủy, cả 3 bệnh nhân bị thương tích không quá nặng, hiện nằm viện điều trị và theo dõi tiếp. Để chuẩn bị ứng phó với bão, Bệnh viện đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống cũng như có các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng di chuyển ứng cứu trong trường hợp cần thiết.

10:15

Tại Móng Cái gió đã giảm. Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhận định, những phút căng thẳng nhất của cơn bão đã qua. Móng Cái an toàn, các địa phương khác chắc chắn còn an toàn hơn. Mục tiêu sắp tới là tập trung lo chống lũ lụt và sạt lở do mưa lớn sau bão gây ra.

Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương cảnh báo từ 19 đến 22/7 trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng lên trên mức báo động 2; sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng lên mức báo động 1; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 1; sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên 5,5 mét. Các sông nhỏ vùng núi phía bắc và đông bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3.


Công trình bị đổ do bão ở Móng Cái. (Ảnh: Quý Đoàn)

Các tỉnh vùng núi phía bắc và đông bắc cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía bắc và đông bắc. Các khu vực có nguy cơ xẩy ra lũ quét và sạt lở đất cao là tỉnh Bắc Cạn gồm huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông- Thị xã Bắc Cạn; tỉnh Cao Bằng gồm các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc; tỉnh Lạng Sơn gồm các huyện Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình và Cao Lộc; tỉnh Quảng Ninh gồm các huyện Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu; tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên- thành phố Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê; tỉnh Lào Cai gồm các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa; tỉnh Yên Bái gồm các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái; tỉnh Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường.

Theo báo Quảng Ninh, bão Rammasun đã làm tốc mái 9 căn nhà và là đổ 3 cột điện tại thành phố Móng Cái.

Thị trấn Cái Rồng, huyện đảo Vân Đồn gió mạnh dần lên cấp 10. Một số cành cây gãy đổ, đường phố vắng vẻ. Mọi nhà dân đóng kín cửa, các biển hiệu, cửa hàng được gia cố, chằng chống bằng các thanh gỗ.

Khoảng 200 tàu thuyền lớn nhỏ neo đậu trong bờ bị gió lắc tròng trành. Cách bờ khoảng 100m ngoài biển, một chiếc tàu nhỏ của ngư dân đang cố di chuyển ra tàu lớn, mũi tàu nhô lên nhấp xuống, lắc mạnh trong mưa gió.

Bên bến cảng, lực lượng chức năng túc trực cùng một xe tải nhẹ chở hàng chục áo phao. Loa phát thanh thị trấn liên tục thông tin về hướng đi và diễn biến của cơn bão ở những địa phương khác.

Cơ quan chức năng gồm huyện đội, phó chủ tịch huyện, bộ đội biên phòng đều túc trực ở đây để chỉ đạo ứng phó. Theo lực lượng chức năng, nơi đây được bao bọc bởi nhiều ngọn núi cao, nên khả năng ảnh hưởng của bão sẽ nhẹ đi.

10:00

Quảng Ninh mất điện trên diện rộng. Có hiện tượng gãy đổ đường dây diện một số khu vực. Theo ông Phùng Ngọc Phong, Giám đốc điện lực Quảng Ninh, trừ Vân Đồn, còn lại các địa phương đều mất điện. Quảng Ninh đã có phương án khôi phục nhưng do nhiều mái tôn và các vật dụng khác bay lên tuyến đường dây nên gây mất động diện rộng. Địa phương sẽ có phương án khắc phục nhanh nhất.


Thu dọn lá cây trên các miệng cống ở thành phố Móng Cái. (Ảnh: Quý Đoàn)

09:30


Ngay sau khi gió giảm và mưa bớt nặng hạt, lực lượng chức năng của Thành phố Móng Cái đã được cử ra đường kiểm tra, ghi nhận thiệt hại. (Ảnh: Quý Đoàn)

09:25


Dự kiến đường đi của Ramasun của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương lúc 9h ngày 19/7.

Đảo Bạch Long Vĩ đo được gió giật cấp 9; đảo Cô Tô và Móng Cái (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10; Quảng Hà, Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió giật cấp 8-9; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) có gió giật cấp 9; thành phố Lạng Sơn có gió giật cấp 6.

Khu vực đông bắc Bắc Bộ đã có mưa to như Cô Tô 32mm; Móng Cái 43mm; Cửa Ông 20mm.

Di chuyển với vận tốc khoảng 20km/h dọc theo biên giới Việt - Trung, bão sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực vùng núi phía Bắc. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần cảnh giác cao với sạt lở và lũ quét.


Biển động vẫn động dữ dội. (Ảnh: Quý Đoàn)

09:20

Khu vực phường Trà Cổ (Móng Cái) có mưa lớn, cây xanh gãy đổ la liệt. Sức gió giật cấp 11, 12 khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Hàng chục nhà bè nuôi trồng thủy hải sản bất chấp mưa bão, vẫn tìm cách ra nhà bè để trông coi tài sản. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Mão, Phó trưởng đồn biên phòng Trà Cổ, lực lượng chức năng đã tuyên truyền yêu cầu toàn bộ ngư dân lên bờ. "Một số ngư dân có ý định sáng nay xuống lồng bè trông coi đã được chặn lại và tuyên truyền nên họ đã về nhà", thiếu tá Mão nói.


Cây xanh gãy đổ được nhân viên môi trường đô thị dọn dẹp ngay trong mưa. (Ảnh: Quý Đoàn)

Nhiều hộ dân sống trong những ngôi nhà cấp bốn không an toàn được di dời toàn bộ sang nhà kiên cố.

Trung tâm Khí tượng cảnh báo, qua theo dõi trên các sản phẩm số liệu vệ tinh và radar, hệ thống mây đối lưu của Rammasun đang dịch chuyển về phía tây tây bắc và trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xuất hiện mưa rào và giông.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư thành ủy TP Móng Cái cho hay, mưa ở khu vực vực này vẫn rất lớn. Gió tăng dần từ cấp 8 đến 10 và gần tâm bão cấp 11, vùng ven biển cấp 13.

"Vấn đề quan tâm lớn nhất của địa phương sau bão là lũ trên các tuyến sông biên giới. Thành phố đã có phương án phòng chống giúp bà con trở lại sản xuất sau bão", ông Ký cho biết.

"Tâm bão Rammasun đổ bộ vào thành phố Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc)", ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết.


Xuồng tuần tra của lực lượng cảnh sát được đưa lên bờ ở cảng Cái Rồng. (Ảnh: Thanh Tùng)

09:15


Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đang thị sát tình hình phòng chống bão tại Thành phố Móng Cái. (Ảnh: Quý Đoàn)


Toàn thành phó Móng Cái bị cắt điện. Máy phát điện được điều đến để phục vụ cuộc họp của Đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão với lãnh đạo Quảng Ninh và các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Rammasun.

08:45


Gió mạnh kèm mưa lớn tiếp tục được ghi nhận tại thành phố Móng Cái. (Ảnh: Quý Đoàn)

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng và thủy văn Trung ương, đang ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, gió đang rít từng hồi mỗi lúc càng mạnh. Theo nhận định, bão đi đã đổ bộ vào khu vực Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc), tâm bão cách thành phố Móng Cái khoảng từ 40-50km. "Khoảng 6h sáng nay, bão đã đi vào địa phận ngay sát phía bắc của thành phố Móng Cái. Từ 7h đến lúc này, gió liên tiếp ở cường độ cấp 9, 10, giật cấp 11, 12", ông Hải nói.

Tại Trà Cổ cường độ gió còn mạnh hơn ở cấp 11, giật cấp 12.

"Rất may toàn bộ ngư dân ở vùng ven biển làm nhà tạm, nhà cấp 4 đã được di dời vào khu biên phòng và nhà dân trú tránh an toàn", ông Hải cho biết.

08:30 Theo ông Lý Bắc, chủ cửa hàng ăn sáng tại Cái Rồng (Vân Đồn), hầu hết du khách đã rời thị trấn cách đây 2 hôm khi biết tin có bão. Tuy nhiên, vẫn còn có một số người ở lại. Họ hoặc bị lỡ tàu xe hoặc tò mò muốn xem bão vào ra sao nên cố nán lại. Với những khách như vậy, ông vẫn tiếp tục phục vụ và khẳng định sẽ không tăng giá bán hàng.

Theo ông Bùi Văn Cẩn, chủ tịch huyện Vân Đồn, ngoài các đảo trên địa bàn của huyện, hiện có 7 du khách nước ngoài xin lưu trú lại để xem bão. 5 người trong đó có quốc tịch Hà Lan, một người Canada và một người Australia. Huyện đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện để nhóm du khách trên được an toàn.


Xuồng tuần tra của lực lượng cảnh sát được đưa lên bờ ở cảng Cái Rồng. (Ảnh: Thanh Tùng)


Thị trấn Cái Rồng vắng vẻ do ảnh hưởng của cơn bão Rammasun. (Ảnh: Thanh Tùng)

08:05 Huyện Vân Đồn mưa ngày càng to, gió càng lớn. Ông Nguyễn Văn Công - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, 500 hộ dân đã được di chuyển vào những nơi kiên cố, một số điểm có khả năng lún đã được chằng, chèn bằng bao cát, đá. Tàu nghiệp vụ của các cơ công an, biên phòng đã sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Các loại tàu được phân loại lớn nhỏ để neo chằng, tránh va đập, gây thiệt hại.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, khi vào đất liền, cường độ bão số 2 giảm nhanh, mưa lớn có thể gây lũ quét là điều đáng lo ngại hơn cả.

07:00 Nhân viên một khách sạn ở Móng Cái, chằng chống cửa một lần nữa, trước khi cơn bão hoành hành mạnh hơn. Dường như đã quen với việc đón bão, những người dân ở đây tỏ ra khá bình thản.Tâm bão đã đi sâu vào biên giới Việt Trung, mưa tăng lên nhưng chưa nghiêm trọng.

06:30 Tại TP Móng Cái, gió đã bắt đầu to hơn kèm theo mưa nặng hạt. Đường phố tương đối vắng vẻ. Phương tiện chính xuất hiện trên các con phố là ô tô, lác đác một vài chiếc xe máy phóng nhanh trong mưa.

Ngoài một vài cành cây gãy rơi xuống đường thì chưa ghi nhận thiệt hại tại đây. Nguồn điện sinh hoạt gần như vẫn được đảm bảo.


Hàng trăm tàu thuyền neo đậu tránh bão tại khu vực cảng Cái Rồng (Vân Đồn) sáng sớm nay. (Ảnh: Thanh Tùng)

06:00 Tại Quảng Ninh: đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; đảo Cô Tô có gió giật cấp 8; Móng Cái cấp 7; Cửa Ông cấp 6.


6h sáng, phố Hùng Vương trung tâm Móng Cái đã có mưa to gió lớn. (Ảnh: Quý Đoàn)

4h30 mưa nặng hạt hơn ở Móng Cái, gió rít lên từng hồi.

Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, sáng 19/7, tâm bão sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung với cường độ mạnh cấp 10-11, sau đó bão đi sâu vào đất liền với vận tốc 20 km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới dọc vùng núi phía Bắc.


Dự báo đường đi bão Rammasun của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương sáng 19/7.

Đêm 18/7, Rammasun chỉ cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 240km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất từ 150 đến 183km một giờ (cấp 14, cấp 15). Sau đó, bão di chuyển khoảng 20km mỗi giờ chủ yếu theo hướng tây bắc.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải sau khi thị sát tại khu vực cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã di chuyển lên huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) để trực tiếp chỉ đạo việc ứng phó với bão.

Trong khi đó, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có mặt ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu địa phương phải di dời 1.963 hộ dân kể cả trong đêm.

Dự báo từ 6 đến 8h sáng 19/7 bão sẽ đi vào đất liền và lượng mưa ở Móng Cái sẽ rất lớn với khoảng 300-400mm, cần đề phòng sạt lở.

Các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình... cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Rammasun.

Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương cho biết, đến 7h sáng 19/7, bão sẽ ở trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh với cường độ giảm 1, 2 cấp ở sức gió mạnh nhất từ 118 đến 149km một giờ (cấp 12, 13). Tiếp đó, bão Rammasun sẽ đi vào khu vực biên giới Việt Trung, rồi đi dọc theo vùng núi Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Cập nhật: 19/01/2016 Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video