8h ngày 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào biển Đông với sức gió tối đa 165 km/h (cấp 14), tăng 2 cấp so với tối qua và đang thẳng tiến đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sau khi hoành hành ở quần đảo Luzon của Philippines với sức gió 185 km/h (cấp 15), 8h ngày 16/10 bão đã vào biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm ở vùng biển này. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt 165 km/giờ (cấp 14), giật cấp 16-17.
Bão Sarika hình thành ngày 13/7, khi vào biển Đông mạnh cấp 14. (Ảnh: NCHMF).
Trong 24 giờ tới, bão sẽ theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 20-25 km/h và đến 7h ngày 17/10 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km. Cường độ bão duy trì cấp 14, giật tăng 2-3 cấp. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) được xác định là phía bắc vĩ tuyến 140 và phía đông kinh tuyến 1120. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía bắc vĩ tuyến 150 và phía đông kinh tuyến 1130.
Dự báo xa 2 ngày tới, bão theo hướng tây tây bắc, đi chậm hơn còn khoảng 15-20 km/h và đến 7h ngày 18/10 ở vùng biển phía tây bắc quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 14. Khả năng ngày 19/10 bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh bắc miền Trung.
Nhận định của cơ quan khí tượng Việt Nam tương đồng với các đài quốc tế như TSR của Đại học London (Anh), đài Nhật Bản và Hong Kong. Các đài này đều dự báo do đường đi có chút thay đổi so với hôm qua nên thời gian bão vào Việt Nam có thể muộn hơn, khoảng ngày 19/10.
Hai cơn bão có cùng hướng di chuyển. (Ảnh: Vnbaolut.)
Trong khi đó cơn bão Haima ở phía đông Philippines đang có dấu hiệu mạnh lên, tiến về quần đảo này. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, đã có 7 cơn bão xuất hiện ở biển Đông, trong đó có nhiều cơn đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề.
Dự báo do ảnh hưởng của La Nina yếu, 3 tháng cuối năm khả năng bão lũ xuất hiện nhiều hơn, tháng 10-11 sẽ tập trung ở miền Trung.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Sarika, thông báo cho chủ tàu thuyền biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.