Dự án xây dựng Kính thiên văn cực lớn châu Âu (European Extremely Large Telescope - E-ELT) trị giá 1 tỷ euro đã được bật “đèn xanh” để có thể đi vào hoạt động vào đầu thập niên tới.
>>> Australia, Nam Phi xây siêu kính viễn vọng
Tại cuộc họp hôm 11/6 của Hội đồng điều hành Tổ chức Quan sát thiên văn Nam bán cầu của châu Âu (ESO) ở Garching, Đức, dự án này nhận được sự ủng hộ của phần lớn các nước thành viên ESO.
Đây sẽ là kính thiên văn quang học - hồng ngoại lớn nhất thế giới, được coi là “con mắt” khổng lồ quan sát bầu trời.
E-ELT sẽ chụp ảnh trực tiếp các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời ở những "khu vực có thể sinh sống được" để trả lời câu hỏi: liệu ngoài Trái Đất có tồn tại sự sống trong vũ trụ bao la?
Một tấm gương lớn đường kính 39,3m được ghép bằng 800 mảnh lục giác sẽ cung cấp những hình ảnh xa nhất và chi tiết nhất từ trước tới nay về vũ trụ, với tốc độ nhanh gấp 12 lần tốc độ ánh sáng so với những kính thiên văn lớn nhất đang hoạt động hiện nay.
Ngoài ra, E-ELT còn có nhiều tấm gương khác có đường kính từ 8-10m, để có thể quan sát được những vật thể cực xa và mờ nhạt.
Theo nhà khoa học Isobel Hook thuộc trường Đại học Oxford (Anh) tham gia dự án này của ESO, sự kết hợp độc nhất vô nhị giữa thiết bị chụp ảnh sắc nét và phạm vi thu thập rộng lớn sẽ giúp quan sát chi tiết những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ, ví dụ như quá trình hình thành của những dải thiên hà xa xôi, tác động của các hố đen khổng lồ đối với môi trường xung quanh chúng, và thậm chí là tìm kiếm những hành tinh tồn tại sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời.
Tại cuộc họp kể trên, đại diện các nước thành viên ESO như Áo, Cộng hòa Séc, Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã bỏ phiếu thuận đối với dự án này.
Trong khi đó, Bỉ, Phần Lan, Italy và Anh bày tỏ ủng hộ, nhưng còn chờ sự chấp thuận từ phía chính phủ.
Bốn thành viên còn lại là Đan Mạch, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể thông qua sau này. Dự án E-ELT còn phải trải qua 4 lần bỏ phiếu bổ sung nữa.
Tuy nhiên, ông John Womersley - phụ trách Ủy ban các cơ sở khoa học và công nghệ của Anh, khẳng định kết quả đạt được tại cuộc họp lần này là bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu triển khai dự án E-ELT, mặc dù phía trước còn là một quãng thời gian dài chờ đợi chính phủ các nước thông qua cũng như cam kết đóng góp tài chính.
ESO là một tổ chức liên chính phủ hàng đầu về thiên văn học, được đánh giá là hiệu quả nhất thế giới. Nhiệm vụ chính của ESO là cung cấp những trang thiết bị nghiên cứu tối tân cho giới thiên văn học.
Theo kế hoạch, Brazil sẽ trở thành thành viên ESO trong năm 2012, và Chile - nước được chọn để đặt E-ELT trên đỉnh núi Cerro Armazones cao 3.060m ở Sa mạc Atacama dự kiến cũng sẽ tham gia.
Tổng số tiền niêm liễn mà các nước thành viên ESO đóng góp hàng năm là khoảng 131 triệu euro. Hiện ESO có 730 nhân viên, với "tổng hành dinh" đặt tại Garching.