Bệnh đau mắt đỏ tăng ở Hà Nội

Bệnh viện Mắt Trung ương đang tiếp nhận mỗi ngày hàng trăm người đến khám vì chứng đau mắt đỏ, đông nhất là trẻ em. Tiết trời nắng nóng và các hoạt động vui chơi mùa hè là yếu tố chính khiến bệnh dễ lây lan.

Anh Hưng (25 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) bị đau mắt đỏ gần một tuần nay chưa khỏi. Cách đây 3 ngày, cả con mắt thứ hai cũng viêm đỏ và sưng tấy, tiết nhiều nước và dử. Hưng bị lây bệnh từ đồng nghiệp, trong văn phòng của anh (đóng lại khu Giảng Võ) đã có 6-7 người đau mắt đỏ.

Hưng cho rằng mình và một số đồng nghiệp khác bị lây bệnh vì buổi tối họ hay ở lại đêm ở cơ quan, cùng làm việc và xem các trận đấu bóng đá trong giải Euro cho vui, sáng dậy rửa chung vài cái khăn mặt.

Còn cháu Mai (12 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) lại bị đau mắt sau lần đi bơi ở một bể bơi nhỏ gần nhà, rồi lây sang cho bác giúp việc - người ở nhà suốt ngày nên tiếp xúc nhiều với Mai nhất.

Bác sĩ Hoàng Cương, phòng khám Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết tuy không rầm rộ bằng 2 năm trước nhưng thời gian này, số người đến khám vì đau mắt đỏ tăng đáng kể bởi đang vào mùa dịch. Thời tiết nóng, không khí nhiều bụi bẩn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, virus gây viêm kết mạc. Đây cũng là thời gian các hoạt động du lịch, vui chơi diễn ra nhiều, nhất là với thanh thiếu niên, làm tăng cơ hội phát tán bệnh. Các hồ bơi cũng là yếu tố làm lây lan do vệ sinh không đảm bảo.

Bác sĩ BV Mắt đang khám cho bệnh nhân. (Ảnh: T.N)

Virus adeno là tác nhân chủ yếu gây đau mắt đỏ, lây nhiều nhất qua tiếp xúc tay - mắt. Những người không dùng chung khăn mặt của nhau vẫn có thể lây, vì bàn tay người bệnh dụi lên mắt rồi nắm vào đồ vật như nắm đấm cửa, điện thoại, máy tính... Người khác cũng chạm vào đồ vật đó rồi dụi tay lên mắt. Ngoài ra trong một môi trường hẹp, thông khí kém, virus cũng phát tán ra không khí rồi lây cho người trong phòng.

Việc điều trị chủ yếu là nhỏ kháng sinh phổ rộng và nước muối sinh lý. Bệnh thường khỏi sau 7-10 ngày. Nếu không điều trị, khoảng 12-20% số bệnh nhân có biến chứng như xước giác mạc, viêm dưới biểu mô...

Ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng 1 tuần. Do đó, người bệnh cần được cách ly tối đa (nghỉ học, nghỉ làm). Nên cất riêng khăn mặt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế cầm nắm đồ vật chung.

Bác sĩ Hoàng Cương lưu ý, bệnh nhân đau mắt đỏ nên tránh một số cách điều trị sai lầm như:

- Nhỏ cortisol quá sớm khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thuốc này có thể làm bệnh nặng lên, dai dẳng, hoặc gây biến chứng rầm rộ, thậm chí dẫn đến mù lòa.

- Tự ý sử dụng ngay các kháng sinh mạnh, đắt tiền (hay gặp ở người thành phố) hoặc tiêm truyền kháng sinh (hay gặp ở nông thôn). Đây là việc không cần thiết, gây lãng phí và tăng nguy cơ gặp các phản ứng có hại.

- Xông lá trầu không, bạc hà hay các loại lá có tinh dầu: Mắt đang bị viêm sưng, nóng, việc xông dầu nóng càng làm bệnh nặng thêm. Với các trường hợp đã gần khỏi, việc xông một số loại lá mát, không có tinh dầu như lá tre, lá dâu... có thể làm mắt nhẹ bớt. Tuy nhiên, cách này cũng không được khuyến khích và cũng không thực sự cần thiết.

Hải Hà (Theo VnExpress)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video