Bệnh Ebola có thể chữa bằng máu của nạn nhân sống sót?

Mặc dù y học vẫn chưa tìm ra cách chữa trị bệnh Ebola, nhưng các chuyên gia tin rằng một liệu pháp điều trị dị thường, sử dụng máu của những bệnh nhân sống sót có thể giúp chống lại căn bệnh quái ác này.

Những hình ảnh gây sốc về cảnh các nhân viên y tế hàng ngày đi thu lượm xác người tử vong vì virus Ebola bị vứt bỏ trên các đường phố Tây Phi cho thấy, dịch bùng phát vẫn đang diễn tiến ngoài tầm kiểm soát. Theo số liệu thống kê mới nhất, hơn 1.900 người đã thiệt mạng kể từ khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi hồi tháng 3 năm nay.

Hơn 200 chuyên gia, theo lời mời của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã nhóm họp khẩn cấp tại Geneva, Thụy Sỹ trong 2 ngày để bàn cách chống Ebola. Các đại biểu đã xem xét những vấn đề về tính an toàn, hiệu quả cũng như phương pháp chữa trị nào nên được ưu tiên thử nghiệm trước trong đợt dịch Ebola nghiêm trọng nhất lịch sử hiện nay.

Trên thế giới hiện có khoảng 5 – 6 loại thuốc và vắc-xin phòng và điều trị virus Ebola đang được phát triển. Chưa có dược phẩm nào trong số này được chứng thực tác dụng ở người, nhưng Mỹ đã cho xúc tiến sớm thử nghiệm một loại vắc-xin triển vọng trong tuần này.

Phần lớn sự quan tâm chú ý đang dành cho ZMapp, một loại thuốc chưa qua kiểm nghiệm nhưng được WHO cho phép dùng điều trị thử với 7 bệnh nhân nhiễm virus Ebola. 2 trong số các bệnh nhân này đã tử vong. Hãng sản xuất Zmapp tiết lộ, nguồn cung loại thuốc thử nghiệm này hiện đã cạn kiệt và họ thậm chí phải mất nhiều tháng nữa mới sản xuất được một lượng nhỏ thuốc mới.

Ngược lại, hệ thống quản lý máu của WHO, một tổ chức quốc tế của các chuyên gia điều phối máu trên khắp toàn cầu, mới đây đã lên tiếng lưu ý rằng, có hàng ngàn người sống sót qua các đợt dịch Ebola trước đây ở châu Phi có thể cung cấp nguồn vũ khí chống lại căn bệnh nguy hiểm.


Các chuyên gia y tế đang di dời thi thể một người đàn ông chết vì nhiễm virus Ebola trước sự chứng kiến của đám đông tại thủ đô Monrovia của Liberia. (Ảnh: AP)

Tổ chức của WHO tuyên bố, máu của những người sống sót nên được coi là mang tính thử nghiệm và khuyến nghị các nghiên cứu nên được tiến hành trong lúc bùng phát dịch.

Trong một tài liệu khác vừa công bố tuần này, WHO ước tính, các lô máu đầu tiên do nạn nhân sống sót hiến tặng, có thể sẵn sàng để dùng vào cuối năm nay. WHO nói đã nhận diện nhiều bệnh nhân Ebola hồi phục như những người hiến tặng máu tiềm năng, nhưng cũng thừa nhận “việc cung ứng số máu thu thập được cũng là một vấn đề”.

Một số nhà khoa học cho rằng, các kháng thể trong máu của những người sống sót có thể hữu ích cho các bệnh nhân khác nhiễm Ebola. Điều đó là vì, các kháng thể do hệ miễn dịch của cơ thể người sản sinh ra để chống lại những thứ độc hại xâm nhập, chẳng hạn như virus Ebola, vẫn tồn tại trong máu, luôn sẵn sàng đối phó với bất kỳ việc nhiễm trùng nào trong tương lai, do cùng một mầm bệnh gây ra.

Theo các chuyên gia, máu của những người sống sót có thể được xử lý dùng cho nhiều bệnh nhân hoặc một người sống sót có thể hiến tặng máu cho một bệnh nhân nhất định. Cả 2 cách này đều đòi hỏi việc soi kiểm máu xem có nhiễm các bệnh như HIV hay sốt rét hay không.

Tiến sĩ Peter Piot, giám đốc Trường vệ sinh và thuốc nhiệt đới ở London, Anh và là người đồng khám phá ra virus Ebola, nhận định: “Đây là một việc tương đối đơn giản để thực hiện. Chúng ta cần phải tìm hiểu xem liệu pháp chữa trị bằng máu bệnh nhân Ebola sống sót có hiệu quả không… Tôi hy vọng đây là đợt dịch Ebola bùng phát cuối cùng mà tất cả chúng ta phải cách ly, kiểm dịch và chăm sóc hỗ trợ để điều trị cho bệnh nhân”.

Mặc dù việc hiến tặng trực tiếp sẽ dễ dàng hơn, nhưng mức độ kháng thể chống virus Ebola do một người sống sót sản sinh ra trong máu, có thể thay đổi. Các chuyên gia nhận định, lý tưởng nhất là chúng ta có thể đo được lượng kháng thể đó.

Ở Tây Phi hiện không có bất kỳ nỗ lực chính thức nào nhằm dùng máu của nạn nhân Ebola sống sót để điều trị cho các bệnh nhân khác. Hồi tháng 7 vừa qua, máu của một cậu bé 14 tuổi sống sót đã được dùng thử nghiệm cho bác sĩ Mỹ Kent Brantly, người nhiễm bệnh ở Liberia. Ông Brantly cũng được cho dùng thuốc thử nghiệm Zmapp và khỏi bệnh, ra viện ở Atlanta, Mỹ cuối tháng trước. Hiện vẫn chưa rõ thuốc Zmapp hay máu của cậu bé sống sót đã hỗ trợ việc hồi phục của ông.

Y học từng ghi nhận nhiều trường hợp dùng máu của người sống sót để chữa bệnh trước đây, khi các bác sĩ đã hết mọi giải pháp lựa chọn. Cách làm này dường như hiệu quả nhất đối với các bệnh có độc tố, chẳng hạn như bệnh than và bệnh uốn ván.

Đối với việc điều trị bệnh Ebola, theo tiến sĩ Michael Kurilla, giám đốc phụ trách mảng phòng vệ sinh học tại Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, chúng ta cần biết lượng máu truyền cho bệnh nhân là bao nhiêu, trong bao lâu và tốc độ truyền an toàn như thế nào. “Nếu biết được hiệu lực của huyết thanh, về lý thuyết, chúng ta có thể giúp cơ thể loại bỏ virus Ebola ra khỏi các tế bào trước khi nó có thể gây tổn hại quá lớn”, ông Kurilla quả quyết.

Theo Vietnamnet, Daily Mail, Science Daily
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video