Bệnh mắt do giun chỉ không phổ biến ở Việt Nam, song Bệnh viện Mắt Trung ương luôn tiếp nhận những bệnh nhân đến trong tình trạng kết mạc viêm, mi mắt có u hạt, xung huyết... Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện, trên mi mắt người bệnh có ấu trùng sán dây lợn, sán nhái nằm dưới võng mạc trung tâm.
Giun chỉ onchocerca |
Bệnh nhân T.T.S 50 tuổi ở tổ 18D phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trước khi vào viện 10 ngày bị sưng nề mi mắt trên bên phải, đều trị kháng sinh nhỏ tại chỗ (cylaxan) không đỡ. Vào Bệnh viện Mắt Trung ương khám, làm xét nghiệm phát hiện, trong mi mắt trên bên phải của bệnh nhân S có một khối u kích thước 0,5cm, mật độ chắc, di động, ấn không đau, kết mạc xung huyết nhẹ. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt u. Sau khi dùng kìm cocher bóc tách u, vỏ bọc vỡ một chất nhầy mầu vàng chảy ra và theo đó là đầu giun còn sống (ngọ nguậy). Các bác sĩ phải lấy pince kéo ra 2 con giun dài 4cm, vỏ kitin dày, bên trong chứa nhiều ấu trùng thelazia. Đây là hai trường hợp điển hình mắc bệnh mắt do giun được Bệnh viện Mắt Trung ương phát hiện và điều trị khỏi.
Tại một số vùng Tây Phi, Nam Mỹ, Guatemala, Mexico, bệnh mắt do ký sinh trùng là bệnh tương đối phổ biến, nhất là do giun chỉ. Ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến bệnh lý này. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều người mắc; nhưng không được phát hiện ra bệnh. Theo các bác sĩ nhãn khoa, bệnh lý mắt do giun thường để lại hậu quả nghiêm trọng như giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Các loại ký sinh trùng gây bệnh ở mắt là đơn bào acanthamoeba, toxoplasma, giun sán... Giun chỉ ký sinh ở mắt gây sưng mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm hắc võng mạc, vẩn đục dịch kính và teo thị thần kinh.
Việc điều trị cho những trường hợp bệnh mắt do giun chủ yếu là phẫu thuật. Phẫu thuật vừa là để chẩn đoán, vừa có tác dụng lấy bỏ đi ổ ký sinh trùng thì việc dùng thêm thuốc điều trị mới có hiệu quả vì thuốc có thể diệt nốt những con giun vẫn còn sót lại nếu phẫu thuật lấy không hết. Thuốc thường dùng là diethylcarbamazin với liều lượng là 3-6mg/kg/24 giờ. Dùng trong 5 ngày liền.
Bệnh mắt do giun chỉ là bệnh ít gặp nên việc xác định chính xác loại giun nào gây bệnh là rất khó. Để chẩn đoán xác định loại giun gây bệnh, bắt buộc các nhà chuyên môn phải dựa vào các yếu tố như vùng dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm mô bệnh học, xét nghiệm ký sinh trùng, phản ứng kháng nguyên, kháng thể, kỹ thuật PCR... Từ đó mới có hướng điều trị hiệu quả.