Các nhà nghiên cứu tiết lộ cách hóa chất kết hợp để tạo thành đám mây axit đã giết chết 12.000 trong năm 1952.
Tưởng tượng một ngày bạn không thể nhìn thấy bàn chân mình, ánh Mặt trời hoàn toàn bị che lấp và việc hít thở trở nên khó khăn. Đó chính là điều từng xảy ra vào ngày 5/12/1952, cơn ác mộng đối với người dân London - khi 1 màn sương mù bí ẩn đã bao trùm toàn bộ thành phố.
Ngày 5/12/1952, khi thủ đô London chật kín người mua sắm chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới, màn sương khói dày đặc xuất hiện làm hạn chế tầm nhìn chỉ còn 10m.
Ở khu vực Isle of Dogs, sương mù dày đặc đến nỗi người ta không thể nhìn thấy chân mình. Đặc biệt là khói mù có mùi kinh khủng, một số người mô tả mùi của nó giống như mùi trứng thối. Có thông tin khói độc ô nhiễm đến mức đã khiến những con bò chết ngạt trên cánh đồng.
Mọi người không quá chú ý vì nghĩ chỉ là thời tiết xấu và mùi hôi sẽ trôi qua nhanh. Nhưng không phải vậy, sáng 6/12, London thức dậy với bầu trời xanh ngắt, sương khói càng đậm và mùi còn kinh khủng hơn. Ngày 7/12, sương khói dày đặc, không khí trở nên nặng nề hơn, rất khó thở khi ở ngoài trời. Những người có vấn đề về phổi đã phải đến bệnh viện vì khó thở hoặc bị những cơn ho kéo dài.
Nhưng rồi khi sương mù dần tan bớt, hàng ngàn người đã chết. Ước tính, vào thời điểm đó có khoảng 4.000 ca tử vong.
Sương mù "sát thủ" bao trùm London vào năm 1952.
Bí mật về nguồn gốc làn sương mù sát thủ đó vẫn khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu. Và mới đây, lời giải đã được bật mí.
Trong 1 phân tích mới, các nhà nghiên cứu đã xác định chính xác quá trình hóa học kết hợp với sương mù tự nhiên như kết quả của việc đốt than... đã tạo ra 1 đám mây axit giết người.
Cụ thể, chính các hạt axit sulfuric trộn lẫn với sương mù tự nhiên là "kẻ giết người" thầm lặng ở London ngày ấy.
Sương mù dày đặc, che lấp cả ánh Mặt trời, hàng ngàn người đã gặp vấn đề về hô hấp.
Trở lại năm 1952, khi những làn sương mù đầu tiên xuất hiện, người dân London không được thông báo và rồi vài ngày sau đó, khi sương mù trở nên dày đặc, che lấp cả ánh Mặt trời, hàng ngàn người đã gặp vấn đề về hô hấp.
Kết quả là, ít nhất 4.000 người đã thiệt mạng, hơn 15.000 người khác phải nhập viện, hàng ngàn gia súc cũng bỏ mạng. Theo một vài chuyên gia, con số người thiệt mạng ước tính phải lên tới 12.000 người.
Con số tử vong bởi "sương mù sát thủ" ở London có thể lên tới 12.000 người.
Theo giáo sư Renyi Zhang và Harold J thuộc Đại học Texas, các hạt axit sulfuric được hình thành từ lưu huỳnh dioxide có trong than đốt và khí thải của nhà máy điện cùng nhiều phương tiện khác.
Tác dụng tổng hợp của khí sulfuro trong sương và bụi trong không khí đã hình thành sương mù dày đặc này. Bụi chủ yếu xuất phát từ hạt bụi của khói than, các thành phần như khí sulfuro trong không khí, oxit silic, oxit nhôm có thể tạo nên những giọt sương, xúc tác khí sulfuro trong không khí, tạo phản ứng oxy hóa thành SO3, hình thành "sương mù axit sulfuric" nguy hại cho sức khỏe con người.
Lượng lớn khí độc và bụi trong sương mù axit sulfuric sau khi con người hít vào phổi sẽ bám vào tế bào phổi đồng thời dần tích tụ lại và đi vào máu, lan khắp cơ thể.
Theo các chuyên gia, những lớp sương mù sát thủ này đang ngày một diễn ra phổ biến hơn ở các nước hiện đại như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm thì không hoàn toàn giống nhau.
Những lớp sương mù sát thủ này đang ngày một diễn ra phổ biến hơn ở các nước hiện đại như ở Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, sulfur dioxide, nito dioxide chủ yếu được thải ra từ các nhà máy điện, xe ô tô, và amoniac đến từ việc sử dụng phân bón. Nếu sương mù London đã có tính axit cao, khói mù ở Trung Quốc về cơ bản là trung lập hơn nhưng cũng gây hại lớn cho sức khỏe.
Hiện các chuyên gia đang nỗ lực kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, cắt giảm lượng khí thải bởi nếu cứ vô tư "xả thải" thì sương mù sát thủ sẽ lại xuất hiện và gây kinh động toàn thế giới.