Thắc mắc rằng cuộc đời chúng ta ở Vũ trụ song song kia như thế nào nhỉ?
Chúng ta không lạ gì với khái niệm một vũ trụ song song: nó có mặt ở nhiều nơi, trong phim, trong các trò chơi điện tử và thậm chí trong cả những câu chuyện tình sến súa “cặp đôi này đến được với nhau ở một vũ trụ khác”. Về cơ bản, người ta cho rằng có một hoặc nhiều Vũ trụ đang tồn tại song song với chính Vũ trụ mà ta đang sống đây.
Nhưng nếu như Vũ trụ vô tận và không ngừng giãn nở về mọi hướng, vậy các Vũ trụ sẽ có lúc va chạm vào nhau chứ? Bỗng nhiên người ta lại đưa ra giả thuyết chồng lên giả thuyết: Vũ trụ “song song” nhưng lại có thể “va vào nhau”.
Trên Vũ trụ rộng lớn (của chúng ta), có một “điểm lạnh – cold spot” được các nhà khoa học cho rằng đó chính là những điểm va chạm của Vũ trụ chúng ta với những Vũ trụ khác, dựa vào đó người ta cố chứng minh giả thuyết có một hệ đa Vũ trụ đang tồn tại. Nhưng đừng quá vội mừng, vì đây cũng chỉ là thuyết và thứ có tên là “điểm lạnh” kia cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi.
Vũ trụ “song song” nhưng lại có thể “va vào nhau”.
Năm 1964, hai nhà qua học sử dụng một thiết bị thu vi sóng để tìm kiếm những tiếng vọng còn sót lại trong thời hiện đại này, có nguồn gốc từ vụ nổ Big Bang. Mặc dù Vũ trụ đã cực nóng khi vụ nổ Big Bang diễn ra, nó đã nguội đi rất nhiều nhiều thiên niên kỷ tồn tại. Những đo đạc ngày nay cho thấy Vũ trụ hiện có nhiệt độ khoảng 3 Kelvin, -270 độ C. Hơn nữa, mức nhiệt độ này lại cực kì đồng đều ở mọi vùng – Lúc ấy, người ta coi vũ trụ hằng nhiệt.
Tuy nhiên, năm 1998, vệ tinh COBE phát hiện ra rằng nhiệt độ của Vũ trụ này không hề đồng nhất. Có những khu vực nóng hơn và lạnh hơn nhiệt độ trung bình (3 Kelvin) nhưng những điểm ấy không nhiều và nằm rải rác khắp vũ trụ.
Khi vệ tinh mới có tên là Planck dược phóng lên, nó đã có thể đo được những điểm nhiệt không đồng nhất này một cách chính xác hơn, hỗ trợ cho những gì mà vệ tinh COBE đã đặt nền móng.
Các nhà khoa học tin rằng những điểm có nhiệt độ khác biệt ấy là những gì còn sót lại của những biến thiên nhiệt ở mức hạ nguyên tử có từ thời vụ nổ Big Bang đến giờ, và càng ngày thì nó càng lan rộng ra một khu vực lớn hơn. Những lời giải thích này nghe cực kì hợp lý và những thuyết ta hiện có cũng ủng hộ lời lý giải này, tuy nhiên, những điểm nhiệt độ khác biệt ấy có những ... biểu hiện lạ.
Có một điểm nhiệt đặc biệt lạnh và dựa theo đúng như tính chất của nó để đặt tên, các nhà khoa học gọi đó là Điểm lạnh – The Cold Spot.
Vòng tròn nhỏ trong biểu đồ nhiệt trên chính là "điểm lạnh" đang được nghiên cứu.
Điểm này thấp hơn mức nhiệt trung bình của Vũ trụ khoảng 150 microkelvin, chẳng nhiều nhưng khi nó trải ra cả một vùng không gian rộng lớn, người ta không thể có lời giải thích nào hợp lý và chỉ có thể cho rằng có điều bất thường gì đó đang xảy ra ở những điểm lạnh ấy.
Vào khoảng năm 2008, một số nhà khoa học nêu ra rằng điểm lạnh này rất có thể là điểm giao nhau giữa các vũ trụ khác với nhau – một luận điểm nếu chứng minh được thì ta sẽ chứng minh được luôn thuyết Đa Vũ trụ. Điểm lạnh kia chẳng khác nào một vết chà xát giữa hai vật thể khổng lồ - hai vũ trụ. Bạn cứ tưởng tượng nó là điểm bầm giao nhau giữa hai quả đào vậy.
Ý tưởng này làm nhiều người vô cùng hứng thú. Việc một vũ trụ song song khác tồn tại sẽ làm thay đổi cái nhìn của con người với thực tại, với vũ trụ này và thậm chí, với chính bản thân ta khi biết rằng ngoài kia, một thực thể khác giống mình cũng đang có một cuộc đời của riêng họ.
Có nhiều bản thể khác nhau của cuộc đời chúng ta đang sống ở một Đa Vũ trụ khác.
Xa xưa, Copernicus đã dạy ta rằng Trái Đất không phải trung tâm Vũ trụ, Hubble dạy ra rằng Mặt Trời cũng chẳng phải trung tâm Vũ trụ mà chỉ đơn giản là một quả cầu lửa trong một thiên hà lớn hơn, một thiên hà nhỏ trong hàng tỷ các thiên hà khác.
Khi mà ta tìm ra bằng chứng chứng minh được Đa Vũ trụ tồn tại, thì đến cái vũ trụ mà ta đang sống này cũng sẽ chẳng còn đặc biệt và độc nhất nữa.
Nhưng tất cả chỉ là giả thuyết, một giả thuyết chứng minh cho sự tồn tại của những điểm lạnh trên vũ trụ. Ta vẫn có những giả thuyết khác đỡ đáng sợ hơn chứ, mặc dù là không thú vị bằng, thậm chí còn đôi phần “lạnh lẽo”.
Nhiều nhà khoa học cho rằng đó chỉ là những khoảng trống trong vũ trụ, một khu vực không gian có ít thiên hà hơn bình thường. Đó cũng là lý do tại sao những “điểm lạnh” còn có tên gọi khác là Khoảng trống Lớn – Great Void. Đây chính là cái đẹp của việc “loài người chúng ta chẳng biết rõ cái gì”, ta có thể đặt ra vô vàn giả thuyết thú vị khác nhau và rồi dần dần, chứng minh và loại bỏ từng thứ một.
Nhiều nhà khoa học cho rằng đó chỉ là những khoảng trống trong vũ trụ.
Nếu như giả thuyết về khoảng trống vũ trụ lớn đúng, khi mà những ánh sáng nguyên thủy phát ra từ vụ nổ Big Bang bay xuyên qua khu vực này, nó mất đi năng lượng và nguội đi. Hiệu ứng này chỉ có thể diễn ra NẾU như Vũ trụ này tự giãn nở về mọi hướng, và ta đã biết được điều đó là đúng nên giả thuyết này vẫn có những điểm tựa vững chắc cho mình.
Ngay giữa tháng Tư vừa qua, một nghiên cứu mới cho thấy rằng đúng là những “điểm lạnh” kia có ít thiên hà hơn chúng ta dự kiến. Tuy nhiên, lượng thiên hà thiếu hụt không nhiều đến thế khiến cho cả một khoảng không gian trở nên nguội như vậy. Nên là đây cũng chưa phải câu trả lời xác đáng cho sự tồn tại của những điểm lạnh.
Tuy nhiên, chẳng có điều nào trong số những giả thuyết trên là chắc chắn cả. Ta cần phải có những nghiên cứu khác hơn nữa, để chứng minh được học thuyết Đa Vũ trụ thú vị là có thật hoặc ít ra, bác bỏ nó để người ta đỡ mất công tin tưởng. Cũng chẳng thể rõ được những nghiên cứu trong tương lai sẽ chứng minh cho ta biết điều gì, những cũng có thể, chỉ có thể thôi nhé, rằng những Vũ trụ song song kia đã chứng minh xong xuôi thuyết Đa Vũ trụ rồi, họ biết rằng chúng ta có tồn tại.