Cuộc sống trong môi trường nuôi nhốt khiến tuổi thọ trung bình và sức khỏe của voi giảm 2 đến 3 lần so với những con đồng loại sống ngoài thiên nhiên, theo kết luận của một nghiên cứu, trong đó có nguyên nhân voi mắc bệnh béo phì.
Chú voi châu Phi 22 tuổi có tên Jenny tại vườn thú Dallas Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Nhóm các nhà khoa học Anh, Canada và Kenya đã quan sát 4.500 con voi trong công viên quốc gia Ambosseli (Kenya), các lâm trường gỗ ở Myanmar và hàng trăm vườn thú tại châu Âu. Họ tập trung vào việc so sánh tuổi thọ trung bình, sức khỏe và khả năng sinh sản của các voi cái. Kết quả cho thấy, khi sống trong môi trường nuôi nhốt, sức khỏe và tuổi thọ của voi giảm rõ rệt.
Đối với voi châu Phi, tuổi thọ trung bình của chúng trong vườn thú là 16,9 năm, so với 56 năm trong môi trường hoang dã. Voi châu Á chỉ sống được trung bình 18,9 năm trong vườn thú, trong khi những con sống trong rừng có tuổi thọ lên tới 41,7 năm. Trong môi trường sống ổn định và thuận lợi, tuổi thọ của voi có thể lên tới 70 năm. Khoảng 30-50% voi trong các khu rừng của Kenya sống được từ 50 năm trở lên.
Các nhân tố gây tử vong hàng đầu cho voi trong môi trường nuôi nhốt là những thứ mà chúng không bao giờ phải đối mặt trong thiên nhiên. Trong đó béo phì là sát thủ số một đối với voi trong vườn thú và khu bảo tồn. Được ăn uống đầy đủ song lại không có nhiều không gian để vận động, hầu hết voi sống trong môi trường nuôi nhốt phải chống chọi với bệnh thừa cân.
"Voi trong các vườn thú rất dễ mắc bệnh béo phì. Lượng mỡ thừa trong cơ thể khiến chúng chết sớm hơn vì bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác. Những con voi cái thừa cân thường có bào thai to và đa số những bào thai này có nguy cơ chết lưu rất cao", Ros Clubb, một chuyên gia thuộc Hiệp hội chống hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật hoàng gia Anh, cho biết.
Hiện tượng thai chết lưu hiếm khi xảy ra đối với voi trong môi trường hoang dã. Voi mẹ mang thai trong hai năm. Chúng sống trong những đàn ổn định do một con voi cái cầm đầu. Các con voi cái trong đàn cùng chăm sóc lũ voi con. Trong vườn thú và khu bảo tồn, voi mẹ thường phải sống đơn lẻ, chịu đựng tình trạng căng thẳng triền miên và vượt cạn trong đau đớn. Thậm chí một số voi mẹ giết chết con sau khi sinh vì không biết sinh vật bé nhỏ đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng là cái gì. “Nhiều voi cái trong vườn thú chưa bao giờ nhìn thấy voi con”, Georgia Mason, một chuyên gia của Đại học Guelph (Mỹ), giải thích.
Bệnh Herpes cũng là sát thủ đáng sợ đối với voi, đặc biệt là voi châu Á. Voi châu Phi trong thiên nhiên thường bị nhiễm một dạng virus herpes khiến chúng bị ốm hoặc cảm thấy khó chịu. Nhưng khi voi châu Á và voi châu Phi cùng sống trong một vườn thú, virus nhảy sang voi châu Á và biến thể thành một dạng có thể gây tử vong.
“Các vườn thú vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho virus tấn công voi châu Á. Nó giết chết nhiều voi trưởng thành nên tỷ lệ voi sơ sinh chết theo mẹ cũng tăng lên”, Georgia Mason giải thích.
Voi trong môi trường hoang dã. Ảnh: Static. |
Nguy cơ chết sớm ở voi bị nhốt cũng xảy ra khi chúng bị đem từ vườn thú này tới vườn thú khác. Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi chỗ ở khiến voi rơi vào trạng thái căng thẳng do phải xa gia đình và đàn của chúng. "Trong thiên nhiên voi có tập tính sống theo đàn nên sự chia tách luôn khiến chúng rơi vào tình trạng hoảng loạn", Ros giải thích.
Khyune Mar, giảng dạy tại khoa Khoa học về động vật và thực vật thuộc Đại học Sheffield (Anh) tiến hành nghiên cứu voi kéo gỗ trong các lâm trường tại Myanmar. Bà nhận thấy tuổi thọ trung bình của chúng là 40, lớn hơn 2 lần so với con số 18,9 của voi trong vườn thú.
Nhà nghiên cứu này cho rằng lối sống của voi kéo gỗ khiến chúng sống lâu hơn, vì voi được tự do hành động theo ý thích trong khoảng một nửa thời gian của cuộc đời. "Họ chỉ bắt voi làm việc 6-8 tiếng mỗi ngày, sau đó chúng được đi lại tự do trong rừng. Voi ở lâm trường có cuộc sống tương tự voi hoang dã. Chúng được phép gặp gỡ và giao phối với voi rừng, được vận động nhiều và chăm sóc tốt", Khyune nói.
Những câu chuyện về tiền bạc dành cho voi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trong 10 năm qua, các vườn thú trên toàn thế giới đã chi khoảng 500 triệu USD để xây dựng hoặc nâng cấp các khu nuôi nhốt để cải thiện cuộc sống của 250 con voi. Nhưng nỗ lực của họ không thay đổi được sức khỏe cũng như tuổi thọ của chúng.
Trong khi đó tại Kenya, cơ quan bảo tồn thiên nhiên được cung cấp vỏn vẹn 20 triệu USD mỗi năm để chăm sóc vài chục nghìn con voi. Trong khi voi châu Á vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng (chỉ còn khoảng 60 nghìn con) thì những chương trình bảo vệ động vật hiệu quả đã giúp số lượng voi châu Phi tăng lên tới nửa triệu cá thể.