Mặc dù nhận thấy những biến đổi địa chất kỳ lạ tại đầm lầy này nhưng Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cũng không thể lý giải nổi nguyên nhân thực sự.
Dù xuất phát từ những nguyên nhân khách quan hay chủ quan, những địa điểm trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" này đều ẩn chứa những mối nguy tiềm tàng, có thể khiến con người phải bỏ mạng bất cứ lúc nào.
1. "Thảm họa âm thầm" của nước Mỹ
Vùng đầm lầy rộng lớn chầm chậm nuốt hàng cây bách cao hơn 12m xuống hố nước sâu hoắm.
Tháng 8/2012, hàng trăm người dân sinh sống tại phía bắc Assumption Parish, tiểu bang Louisiana (Mỹ) chứng kiến "cơn ác mộng kinh hoàng từ tự nhiên" khi trước mắt họ, vùng đầm lầy rộng lớn Bayou Corne vẫn hàng ngày yên bình bỗng chốc biến thành con quái vật khổng lồ, chầm chậm nuốt hàng cây bách cao hơn 12m xuống hố nước sâu hoắm, đầy giận giữ. Mùi dầu thô khó chịu lan rộng khắp thị trấn.
Hai tháng trước khi xảy ra thảm họa khó hiểu này, người dân vùng Assumption Parish đã cảm nhận điều bất thường khi trên mặt nước của đầm lầy Bayou Corne xuất hiện những bóng khí lớn, mặt đất thì đôi lúc bị rung lắc. Họ tưởng rằng sắp có động đất xảy ra. Tuy nhiên, không có một trận động đất nào được giới chức đưa ra cảnh báo.
Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cũng nhận thấy những biến đổi địa chất kỳ lạ nơi đây, tuy nhiên, họ không thể lý giải chính xác nguyên nhân là gì.
Giới chuyên gia được chính quyền địa phương mời về khảo sát thì nghi ngờ đường ống dẫn khí đốt tự nhiên bị rò rỉ là nguyên nhân gây nên các hiện tượng khó hiểu kia. Tuy nhiên... không một nhận định nào đúng hết.
Kết quả, tròn 2 tháng sau đó, hơn 350 con người vùng Assumption Parish đã buộc phải sơ tán vĩnh viễn khỏi khu vực sống gần đầm lầy Bayou Corne để bảo toàn tính mạng khi giữa đầm lầy rộng lớn đó xuất hiện hố sụt khổng lồ, có thể hút và nhận chìm cây cối, bụi cây xuống lòng nước giận dữ.
Hố tử thần Bayou Corne ở Mỹ.
Nguy hiểm hơn cả, số lượng cây cối, vật chất bị nuốt xuống tỉ lệ thuận với độ rộng của miệng hố sụt. Từ khi xuất hiện, miệng hố chỉ rộng 10.000m2, vậy mà, cho đến nay, nhà khoa học ước tính, hố sụt tại đầm lầy Bayou Corne rộng khoảng 100.000m2 và sâu gần 230m.
"Hố tử thần" Bayou Corne là thảm họa từ tự nhiên hay có bàn tay của con người? Nguyên nhân có thể khiến người ta tranh cãi, song, thực tế nguy hiểm mà nó đang mang lại lại rất thật, rất chắc chắn.
Giới khoa học nhận định, "sát thủ vô hình" thực sự của hố sụt này đến từ việc hàng chục triệu cm khối khí dễ nổ và độc (như khí gas, mê-tan...) thoát ra từ tầng nước ngầm nổi lên mặt nước và trôi dạt đến những vùng có cư dân sinh sống.
Hố sụt tại đầm lây Bayou Corne ngày càng mở rộng, nhìn từ trên cao. (Ảnh: New York Times).
2. Truy tìm thủ phạm
"Đây là thảm họa công nghiệp lớn nhất Mỹ mà nhiều người không hề hay biết!", cựu chính trị gia người Mỹ Tim Murphy phải thốt lên như vậy khi cuối cùng giới chức trách cũng tìm ra "thủ phạm" thực sự gây nên "cơn ác mộng không ngừng lớn" tại đầm lầy Bayou Corne.
Đó là Công ty Brine Texas, LLC - nhà sản xuất nước muối độc lập lớn nhất tại Mỹ, cung cấp hơn 30% nhu cầu nước muối của ngành công nghiệp clo-kiềm.
Cách đầm lầy Bayou Corne khoảng 1,6km là một vòm muối lớn đã từng được Brine Texas, LLC khai thác triệt để.
Vì lợi nhuận, công ty này đã khai thác muối kiệt cùng, đến mức khiến cho vòm muối không ổn định về mặt cấu trúc, do đó gây ra sự sụp đổ của mỏ muối, gây tổn hại đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước của vùng duyên hải bang Louisiana. Tất nhiên, thảm họa Bayou Corne nằm trong kịch bản sụp đổ này.
Trước khi mỏ muối sụp đổ, việc bất chấp sử dụng quy trình khai thác muối của công ty Texas Brine đã vô hình chung tạo nên một "tầng ngậm nước" khổng lồ bên dưới mặt đất. Họ không biết rằng, đầm lầy Bayou Corne cách đó chỉ vài nghìn mét đã bị ảnh hưởng.
Khi lớp đất vững chắc bị phá vỡ, nước tại đầm lầy như bị rút xuống hòng lấp đầy khoảng không của "tầng ngậm nước" phía bên kia vòm muối. Kết quả, thảm họa mang tên Bayou Corne đã diễn ra.
Về sau, các cư dân của Assumption Parish đã phải trải qua "cuộc chiến đòi công lý" với công ty Brine Texas, LLC nhiều tháng liền. Cuối cùng, công ty này đã phải bồi thường hàng chục triệu đô la Mỹ cho người dân nơi đây.
3. Những hệ lụy không ngừng
Con người đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của Trái đất từ bình minh của nhân loại, tuy nhiên, chưa bao giờ công tác khai thác của ngành công nghiệp hóa dầu ngày nay lại mạnh và liên tiếp đến vậy. Hệ quả là, giới khoa học nhận định, việc sử dụng những kỹ thuật khoan khai thác mỏ hiện đại đã gây ảnh hưởng rất mạnh đến sự ổn định của địa chất.
Nó không đơn giản là sự xuất hiện của các hố sụt khổng lồ, gây giải phóng các khí độc mà còn làm tăng nguy cơ động đất về sau. Việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang dần khiến chúng ta phải trả giá!