Một nhà sáng chế người Anh cho biết vừa phát triển thành công loại vi mạch có khả năng thay thế chìa khoá cửa, xe hơi, thậm chí điều khiển các thiết bị văn phòng. Con chip nhỏ chỉ bằng hạt gạo có thể cấy ghép dưới da.
Steven Northam, 33 tuổi, là người phát triển thiết bị và cũng là người đầu tiên sử dụng con chip, tin rằng con người một khi được cấy vi mạch không phải lo gì về tương lai vì đây là bước đột phá mới cho y học hiện đại.
Steven Northam và con chip có kích thước cực nhỏ. (Ảnh The Sun).
Ông cho biết công nghệ này tương tự vi mạch sử dụng cấy ghép cho chó, mèo. Thời gian để cấy thiết bị chỉ tốn 30 giây.
Vi mạch được thiết kế đủ cứng để tránh vỡ vụn do va đập sau khi cấy vào da.
Chi phí cấy con chip cho cá nhân có giá khoảng 7 triệu đồng, còn để lắp đặt cho một văn phòng để các nhân viên sử dụng là hơn 100 triệu đồng.
Ông Northam cho biết đến nay đã có 30 cá nhân và một doanh nghiệp đăng ký sử dụng thiết bị.
Ông Northam đang liên kết với Tiến sĩ Geoff Watson, chuyên gia tư vấn gây mê tại Bệnh viện Royal Hampshire ở Winchester, Anh, nhằm đảm bảo quy trình cấy ghép được thực hiện theo tiêu chuẩn y tế.
Steven Northam mở cửa văn phòng bằng bàn tay được cấy chip. (Ảnh: The Sun).
Chip được thiết kế để mạnh để không bị vỡ nát sau khi được cấy vào da. (Ảnh: The Sun).
Công ty BioTeq của ông Northam đang lên kế hoạch quảng bá để thiết bị được sử dụng rộng rãi trong thời gian tới. Nhiều người lo sợ chính phủ sẽ sử dụng thiết bị để giám sát con người, nhưng ông Northam khẳng định vi mạch không được thiết kế để phục vụ mục đích này.
Ông nói rằng trước đây mọi người lo ngại việc lắp đặt camera sẽ khiến họ bị giám sát, nhưng đến nay camera đã được lắp ở khắp nơi.
Mặc dù vậy vợ ông từ chối tham gia thử nghiệm và vẫn sử dụng chìa khoá truyền thống. Bà cho rằng ý tưởng của chồng hơi kỳ cục.