Biến đổi khí hậu càng nghiêm trọng, những loại thực phẩm này sẽ càng đắt đỏ hơn

Theo Euronews, hạn hán và các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra đã đe dọa nguồn cung lương thực trên khắp châu Âu trong mùa hè năm nay.

Do những biến động về môi trường, lúa gạo ở miền Bắc Italy, dầu ô liu ở Tây Ban Nha và lúa mạch ở Anh đều bị giảm năng suất đáng kể.

Trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu làm gia tăng khả năng xảy ra thời tiết khắc nghiệt, nhiều loại thực phẩm trên khắp hành tinh của chúng ta sẽ trở nên khan hiếm hơn.

Điều này có nghĩa là rất nhiều mặt hàng thiết yếu cơ bản mà chúng ta sử dụng hàng ngày sẽ trở nên đắt đỏ hơn do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất lương thực như thế nào?

Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh, biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Một báo cáo do IPES-Food (Ủy ban chuyên gia quốc tế về hệ thống lương thực bền vững) công bố hồi tháng 5 đã nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là nguy cơ "lưu hành và phổ biến" đối với các nguồn cung thực phẩm. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do chi phí sinh hoạt tăng cao và cuộc xung đột ở Ukraine.

Hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt và các đợt dịch hại mới đang làm giảm năng suất cây trồng, cản trở người nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp thu hoạch sản lượng như dự kiến từ đầu mùa.

Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt độ toàn cầu đã tăng thêm 1,1°C. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã cảnh báo rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5°C, khoảng 8% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới sẽ không còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp.

Năng suất cây trồng giảm khi nhiệt độ cao hơn do mất nước, giảm khả năng thụ phấn và quang hợp chậm hơn. Khi cây trồng chịu ảnh hưởng của nhiệt độ cao và hạn hán, khả năng tự bảo vệ của chúng yếu hơn, và chúng dễ trở thành mục tiêu của côn trùng và mầm bệnh.

Thời tiết cực đoan cũng đang gây khó khăn cho ngành chăn nuôi và thủy sản. Các vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu như không có các nỗ lực nhằm giải quyết lượng khí thải carbon.

IPCC gần đây đã công bố một báo cáo khẳng định rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến cho hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn.

Theo Liên Hợp Quốc (LHQ), hàng loạt tác động tổng hợp từ biến đổi khí hậu, xung đột và nghèo đói có thể khiến giá lương thực tăng thêm 8,5% vào năm 2027. LHQ cũng cảnh báo rằng hàng triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.


Hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng khiến việc trồng trọt trở nên khó khăn hơn. (Ảnh: AFP)

Giá các loại ngũ cốc thiết yếu tăng cao do biến đổi khí hậu

Chỉ riêng trong mùa hè năm nay, các đợt nắng nóng đã làm đất nông nghiệp và cây trồng ở Ấn Độ khô héo, hỏa hoạn ở Tunisia đã phá hủy các cánh đồng ngũ cốc, và lũ lụt ở Trung Quốc đã khiến gần 100.000 ha cây trồng ở nước này hư hại.

Giá loại ngũ cốc thiết yếu như lúa mì, gạo, ngô và đậu tương đã tăng cao do mất mùa hoặc mùa màng bị thiên tai phá hủy.

Chi phí của những loại cây trồng chủ lực này tăng cao đã đẩy đẩy nhiều người dân ở Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Chăng hạn, ở Somalia, một lon lúa mì 400 gram đã tăng giá gấp đôi kể từ tháng 2. Tại Ấn Độ, xuất khẩu bột mì đã bị hạn chế nhằm ngăn giá thành nội địa tăng cao.

Tại châu Âu, hạn hán ở vùng trung tâm nông nghiệp phía Bắc Italy đã khiến sản lượng các loại cây trồng như lúa và ngô sụt giảm. Nhiệt độ khắc nghiệt và thiếu mưa cũng đã ảnh hưởng đến các loại cây cà chua, nho và ô liu.

Báo cáo hồi tháng 5 của IPES cho thấy giá lúa mì tháng 3 đã đạt đỉnh trong vòng 14 năm qua, và giá ngô cũng tăng cao kỷ lục.

Các loại thực phẩm thiết yếu cũng đang chịu ảnh hưởng của sâu bệnh và mầm bệnh mới. Tại Mỹ năm nay, dịch cúm gia cầm đã khiến giá trứng tăng gần 300%.


Các vùng biển của Châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng. (Ảnh: AP).

Hải sản khan hiếm hơn khi nhiệt độ nước biển tăng

Các vùng biển của Châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng. Vùng biển của Iceland đang mất dần các loài cá mà người dân địa phương thường ăn, như cá trứng và cá tuyết - do chúng bơi về phía Bắc để tìm đến vùng biển có nhiệt độ thấp hơn.

Tuy nhiên, các loài có vỏ như sò, trai và vẹm không thể "di cư" như các loài cá khi nước biển ấm lên. Ở miền Bắc Italy đang chứng kiến tình trạng các loài giáp xác (tôm, cua) đang chết dần ở biển Adriatic.

Ở đồng bằng sông Po, nơi dòng sông Po chảy về biển, là nơi các loài nghêu, trai nước lợ sinh sống. Thế nhưng, hiện nay các ngư dân tại khu vực này cho biết mực nước sông thấp kỷ lục khiến lượng nước ngọt chảy về đồng bằng quá ít, và nguồn nước ở đây trở nên quá mặn so với môi trường sống phù hợp để các loài nghêu, trai nước lợ phát triển.

Sô cô la, cà phê và rượu vang cũng sẽ tăng giá vì Trái đất nóng lên

Các loại thực phẩm và đồ uống đắt tiền như cà phê, sô cô la và rượu vang cũng đang bị đe dọa. Nhiệt độ tăng cao ở các vùng trồng cà phê sẽ khiến việc sản xuất khó khăn hơn.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong 2 năm 2020-2021, nắng nóng khắc nghiệt ở Brazil đã làm tăng giá cà phê lên 70%.

Còn đối với sô cô la, Bờ Biển Ngà và Ghana là nơi trồng nhiều cây ca cao. Tuy nhiên, hạn hán có thể sớm khiến cho khu vực này không còn thích hợp để canh tác loại cây này.

Các vườn nho ở bang California (Mỹ) và ở châu Âu đang chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, từ sương giá trái mùa đến hạn hán và cháy rừng. Với năng suất cây trồng thấp hơn, giá rượu bán ra chắc chắn sẽ cao hơn.

Ở Pháp, việc trồng và thu hoạch hạt cải đã chịu ảnh hưởng của hạn hán, gây ra tình trạng thiếu gia vị.


Các vườn nho đang chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh: AP).

Thịt có thể sẽ bị đánh thuế

Do những tác động của việc chăn nuôi gia súc đối với biến đổi khí hậu, các loại thịt có thể sẽ tăng giá trong tương lai.

Chăn nuôi không chỉ phát thải khí carbon, mà rừng cũng bị tàn phá để làm đất trồng thức ăn gia súc, khiến các loài động vật hoang dã mất môi trường sống.

Một số chính phủ đã đề xuất đánh thuế tiêu thụ thịt bò, thịt lợn và thịt gà. Trước khi có cuộc xung đột ở Ukraine, các bộ trưởng nông nghiệp Đức và Hà Lan đã cân nhắc việc áp dụng thuế tiêu thụ thịt.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế Môi trường và Chính sách của châu Âu dự đoán rằng giá thịt bò có thể tăng từ 35% đến 56%, giá thịt gia cầm tăng 25%, giá thịt cừu và thịt lợn tăng 19% ở các nước có thu nhập cao.

Có thể phát triển các loài cây chịu nhiệt để chống chọi với biến đổi khí hậu không?

Các nhà khoa học tại các trường đại học Mỹ và Trung Quốc đã và đang nỗ lực tìm kiếm các cách để bảo vệ mùa màng khi thế giới ngày càng nóng lên.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách giúp thực vật sống sót trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, với hy vọng điều này sẽ bảo vệ nguồn cung lương thực toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của IPES cảnh báo rằng chúng ta cần hành động ngay để giảm lượng khí thải và ngăn chặn tình trạng giá lương thực tăng vọt trong tương lai gần.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nếu lời cảnh báo của họ bị phớt lờ, thì cuộc khủng hoảng lương thực sẽ càng trầm trọng hơn nữa trong tương lai.

Cập nhật: 24/09/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video