Theo một nghiên cứu mới, biến đổi khí hậu sẽ làm cho bãi biển gia tăng độ mặn khiến cua và các sinh vật biển khác bị ảnh hưởng.
Lượng cát từ một bãi biển trên vịnh Delaware đã cho chúng ta biết thêm về mức độ tác động của sự gia tăng nhiệt độ và lượng bốc hơi dọc theo bờ biển. Điều này đang thách thức những giả định lâu nay của giới khoa học về các nguyên nhân khiến độ mặn nước biển dao động liên tục ở khu vực ven biển, nơi có một mạng lưới cây cối và sinh vật biển phong phú.
Phát hiện này có liên quan đến sự di cư và sự sống còn của một số loài động vật như hến, cua trong khi hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến nhiệt độ tăng cao.
Lớp khoáng chất ở một vài khu vực tại bờ biển Slaughter ở Delaware có hàm lượng muối cao gấp bốn lần so với nước biển.
Một nghiên cứu lớn đầu tiên về tác động của sự bốc hơi trên dòng chảy hải lưu và độ mặn hay còn gọi là hàm lượng muối trong trong nước biển - phần bãi biển ở giữa vùng biển có triều cường và triều kém - đã được công bố trên tạp chí Scientific Report.
Nghiên cứu này do Viện công nghệ New Jersey (NJIT) thực hiện. Hai kỹ sư môi trường và một nhà địa chất ven biển đã dẫn dắt nghiên cứu. Họ phát hiện lớp khoáng chất ở một vài khu vực tại bờ biển Slaughter ở Delaware có hàm lượng muối cao gấp bốn lần so với nước biển. Phát hiện này khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 400 mẫu trầm tích khác nhau trong các thời điểm liên tiếp của một vòng thủy triều hoàn chỉnh, từ sáng đến tối. Thử nghiệm này kéo dài trong 7 ngày liên tục. Họ nhận thấy nước biển có hàm lượng muối đo được là 25 gram mỗi lít (g/L). Đồng thời, họ phát hiện ra rằng độ mặn trung bình ở những vùng có triều cường là 60 g/L và một số nơi thậm chí còn đạt đến con số 100 g/L.
Xiaolong Geng, phó giáo sư tại NJIT, đồng thời là tác giả chính của phát hiện này cho biết: "Mức gia tăng đáng kể này có thể là hậu quả của sự bay hơi, vì không có một cơ chế nào khác để làm tăng lượng muối trong vùng nước lặng - lượng nước ở giữa lớp cặn của khoáng chất. Bốc hơi là một nguyên nhân quan trọng điều khiển dòng nước ngầm và độ mặn của nước biển. Các động vật như hến, cua đều bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi về độ mặn. Cho dù hàm lượng muối trong nước biển quá cao hoặc quá thấp, chúng cũng sẽ di cư".
Thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến nước ngọt ở vùng ven biển.
Tiến sĩ Michel Boufadel, người cũng tham gia vào nghiên cứu, cho biết thay đổi này cũng có thể ảnh hưởng đến nước ngọt ở vùng ven biển. "Các nghiên cứu trước đây đã xác định nước biển là nguyên nhân chủ yếu cho độ mặn ở hệ thống nước ngầm ở vùng ven biển, từ đó kết luận rằng sự xâm nhập của nước biển luôn làm tăng độ mặn của các vùng nước lặng trong quá trình trộn lẫn nước biển và nước ngầm".
"Dựa vào những gì chúng tôi biết, chúng tôi nghĩ rằng phát hiện này sẽ làm thay đổi cách quản lý các khu vực ven biển", tiến sĩ Michel cho biết.