Một ngày nào đó, chúng ta sẽ chết đói vì thiếu lương thực. Đây không chỉ là hậu quả từ côn trùng tàn phá, mà sâu xa hơn là do chính bàn tay của con người.
Biến đổi khí hậu thật sự là hiểm họa nghiêm trọng nhất mà nhân loại chúng ta đang phải chịu đựng. Không những vậy, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp đến các loài côn trùng, sâu bọ, khiến chúng trở nên "khát máu" hung hăng hơn gấp hàng nghìn lần.
Đây chính là kết quả nghiên cứu đến từ 3 trường đại học Mỹ là ĐH Washington, ĐH Vermont và ĐH Colorado. Nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên khiến các côn trùng cũng gia tăng sự phá hoại lên mùa màng, đe dọa các loại cây lương thực chính như lúa mì, ngô, gạo.
Biến đổi khí hậu khiến côn trùng khát máu hơn.
Theo kết quả nghiên cứu thì đến năm 2050, toàn bộ châu Âu sẽ tổn thất gần 16 triệu tấn lúa mì, ngô và gạo mỗi năm. Trong đó, mức thiệt hại nông sản của một số quốc gia châu Âu như Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ireland… sẽ tăng lên ít nhất 75% so với hiện nay.
Sản lượng ngô ở Mỹ sẽ bị thiệt hại lên tới 40% (khoảng 20 triệu tấn/năm). Cùng trong bi kịch này, mỗi năm, Trung Quốc có thể tổn thất gần 27 triệu tấn gạo do côn trùng tàn phá.
Tình trạng khan hiếm các loại lương thực xảy ra nghiêm trọng, chắc chắn sẽ đe dọa đến an ninh lương thực của toàn cầu, nhất là khu vực nghèo đói như châu Phi, Mỹ Latin...
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao các loài côn trùng lại trở nên hung hăng, tàn bạo đến thế?
Các nhà khoa học bỏ ra hàng nghìn giờ liền quan sát quá trình trao đổi chất, tốc độ tăng trưởng khi nhiệt độ thay đổi của hơn 30 loài côn trùng khác nhau. Và họ đã cho chúng ta được câu trả lời thỏa đáng.
Tác giả nghiên cứu, giáo sư Curtis Deutsch từ Washington (Mỹ) cho hay, sự nóng lên của Trái đất đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình trao đổi chất ở các loài côn trùng, sâu bọ. Chúng phát triển nhanh hơn, mau đói và ăn nhiều hơn.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, nhiệt độ khí hậu ảnh hưởng đến tốc độ sinh sản của côn trùng cả 2 phương diện tích cực lẫn tiêu cực.
Deutsch chia sẻ: "Ở vùng ôn đới với nền nhiệt lạnh, sự nóng lên của Trái đất sẽ tạo điều kiện giúp côn trùng được phát triển tốt. Ngược lại, ở các vùng nhiệt đới, nhiệt độ tăng có thể kìm hãm tốc độ sinh sản của chúng".
Khan hiếm các loại lương thực xảy ra nghiêm trọng, chắc chắn sẽ đe dọa đến an ninh lương thực của toàn cầu.
Nhà nghiên cứu về côn trùng Christian Krupke từ Purdue (Mỹ) thẳng thắn chia sẻ: "Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm thật sự đến tình trạng biến đổi khí hậu. Cần làm một điều gì đó, còn hơn là chẳng làm gì cả".
Trước tình trạng nguy cấp trên, các nhà khoa học đang cố gắng thực hiện các biện pháp khác nhau để bảo vệ các loài cây trồng trước sự tàn phá của côn trùng, cũng như sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.