Những mớ mỡ cá tra, ba sa ở vùng sông nước Cửu Long không tiêu thụ được vẫn có thể tái tạo thành dầu diesel sinh học. Đó là công trình nghiên cứu của các cán bộ công tác tại Phân viện khoa học vật liệu tại TP.HCM thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam.
Mỡ cá tra, basa có thể chế biến thành dầu diesel sinh học |
Năm 2004, Phân viện khoa học vật liệu tại TP.HCM đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất dầu biodisel từ mỡ động thực vật. Trong đó, nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Đình Thành đã "ra mắt" công nghệ sản xuất dầu biodiesel từ nguồn dầu phế thải và mỡ cá ba sa. Ông Thành phân tích: dầu mỡ là các triglycerid của glycerod và các axit béo khác nhau. Có nhiều phương pháp để tổng hợp dầu biodiesel nhưng cách chuyển vị ester dầu mỡ động thực vật bằng chất xúc tác zeolit với tác nhân metanol (etanol) được xem là tốt nhất.
Nguồn nguyên liệu cùng chất xúc tác và chất metanol qua quá trình phản ứng trong thời gian từ 4-6 giờ, thì tạo thành phần rắn và lỏng. Đối với phần lỏng, sau khi thu hồi metanol dư thừa thì tách thành hai chất hữu ích: glycerin (dùng cho việc pha chế mỹ phẩm) và dầu biodiesel. Theo phương pháp tách này, một tấn nguyên liệu có thể thu được 100 kg glycerin và 800 kg biodiesel. Các tiêu chuẩn về điểm chớp cháy, độ nhớt sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn nhưng giá thành của biodiesel giảm khoảng 20% so với giá dầu diesel trên thị trường.
Một đặc điểm nổi bật là dầu biodiesel từ mỡ cá có khả năng cháy sạch và thải ra rất ít khí độc hại cho môi trường như oxit lưu huỳnh, hidrocacbon... Nghiên cứu đã chứng minh, dùng biodiesel đã giảm 1/3 lần muội than so với nhiên liệu diesel truyền thống. Đồng thời không cần thêm phụ gia để tăng chỉ số octan và nhiệt độ sôi cao cũng là yếu tố thuận lợi cho việc tồn trữ lâu dài.
Ông Thành cho biết công nghệ này xem như đã thành công ở phòng thí nghiệm. Một xí nghiệp chế biến cá basa, cá tra xuất khẩu ở tỉnh An Giang đang thương lượng để xây dựng nhà máy có công suất lớn để góp phần giải quyết lượng lớn mỡ cá basa nơi đây.