Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ cho hay đã phát minh các con chip có khả năng bắt chước não bộ con người xử lý thông tin, từ đó giải mã một vài bí ẩn về cách hoạt động của những máy tính hiệu quả nhất thế giới.
Cùng với đồng nghiệp tại Đức và Mỹ, các nhà khoa học thuộc Đại học Zurich và ETH Zurich (Thụy Sĩ) đã chế tạo ra các hệ thống điện tử có thể so sánh với não người cả về kích thước, tốc độ và tiêu thụ năng lượng.
Theo AFP, Dự án Não xanh đang được triển khai để chế tạo một bộ não người bên trong siêu máy tính.
Cũng giống như bộ não, các vi mạch gọi là “hình thái thần kinh” được cho là có khả năng xử lý và phản ứng thông tin ngay tức thời.
“Thách thức ở đây là chế tạo được cái gì đó càng gần với bộ não thật càng tốt”, theo AFP dẫn lời Giáo sư Giacomo Indiveri của Đại học Zurich, một trong những nhà nghiên cứu dự án trên.
Các hệ thống điện tử trước đây được thiết kế để phản ứng trong môi trường của chúng, chẳng hạn như màn che tự động đóng khi ánh sáng hắt vào. Tuy nhiên, dự án mới muốn tiến xa hơn nữa.
Dùng các vi mạch “hình thái thần kinh” làm dây thần kinh nhân tạo, các nhà nghiên cứu xây dựng các hệ thống có thể thực hiện những nhiệm vụ cần ký ức ngắn hạn, khả năng ra quyết định và phân tích.
Theo thời gian, công nghệ này có thể trở thành một công cụ hiệu quả, cho phép rô bốt di chuyển tự hành trong môi trường và sống sót mà không cần có người điều khiển từ xa.
Đồng thời, các chuyên gia cũng hy vọng sẽ tiến tới nghiên cứu những dòng máy tính có thể hoạt động được dù bị lỗi, cũng giống như não người vẫn hoạt động bình tường dù mỗi ngày mất khoảng 1 triệu neuron, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS).