Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã công bố trên tờ Khoa Học Địa chất tự nhiên: chính bom thiên thạch mà Trái đất đã phải hứng chịu trước đây lại là căn nguyên làm nảy sinh sự sống trên hành tinh của chúng ta.
Sự tấn công của bom thiên thạch đã làm nảy sinh sự sống trên Trái đất. Ảnh: dailygalaxy |
Các nhà khoa học Nhật Bản đã khẳng định rằng, chính sự tấn công của bom thiên thạch đã làm xuất hiện trên các đại dương cổ một vài loại phân tử có cấu trúc phức tạp, từ đó làm nảy sinh sự sống trên Trái đất.
Các nhà khoa học đã sử dụng một loại pháo đặc biệt để tái hiện lại những điều kiện làm nảy sinh sự sống trên Trái đất, làm xuất hiện trên đại dương một trong những loại thiên thạch phổ biến nhất có chứa cacbon, sắt và nickel.
Khẩu pháo đặc biệt này được dùng để bắn thiên thạch vào hỗn hợp nước, ammonia và nhiều chất khác để tái hiện lại các thành tố của đại dương cổ.
Các nhà khoa học Nhật Bản nhận định, sau khi tiến hành bắn thiên thạch xuống nước hỗn hợp, họ đã phát hiện ra sự xuất hiện của rất nhiều phân tử có cấu trúc phức tạp, trong đó có axit béo, amin và axit amin. Họ cho rằng, các phân tử hữu cơ này có thể xuất hiện do sự tác động của bom thiên thạch.
Các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định rằng, khi các thiên thạch rơi xuống Trái đất đã tạo ra áp lực lớn hơn nhiều so với thí nghiệm mà họ tiến hành. Trong điều kiện đó, có thể sẽ xuất hiện nhiều các phân tử hữu cơ hơn, có thể hình thành nhiều chất phức tạp hơn. Từ đó làm nảy sinh sự sống trên Trái đất.