Một kiệt tác của danh hoạ Michelangelo có thể đã ẩn cư hàng thế kỷ bên trong các bức tường của một nhà thờ địa phương ở Tuscan, gần Florence, Italy.
Bức hoạ Pietà được cho là của Michelangelo. (Ảnh: Discovery) |
Cư dân của ngôi làng này từ lâu đã tuyên bố rằng tác phẩm trên được hoạ sĩ Michelangelo vẽ từ khi còn trẻ. Tuy nhiên, bằng chứng cụ thể đầu tiên về giả thuyết này chỉ mới được phát hiện gần đây, khi một người dân 60 tuổi thú tội với cha xứ Rosario Palumbo rằng ông đã nhìn thấy chữ ký đằng sau bức tranh khi đang nghịch ngợm ở ban thờ từ khi còn là một cậu bé.
Lời thú tội đã khiến cha Palumbo tìm hiểu phía sau của bệ thờ. Khi một phiến gạch được rút ra, một chữ ký gồm các chữ cái M, B và F lồng vào nhau đã xuất hiện.
"Đó là một kiểu chữ ký lồng độc đáo. Nó có thể là viết tắt của Michelangelus Buonarrotus Facibat (Michelangelo Buonarroti tạo nên tác phẩm này), hoặc là Michelangelo Buonarroti Florentine", Robert Schoen, một học giả Mỹ nhận định.
Schoen, người đã tìm ra bức Cupid bị mất tích của Michelangelo ở New York năm 1984, đã nghiên cứu tác phẩm ở Marcialla trong 4 năm nay. Theo Schoen, chữ ký lồng của tác phẩm này có điểm tương đồng với các chữ ký trên nhiều tác phẩm khác của danh hoạ như chữ ký khắc trên bức hoạ Roman Pietà, chữ cái trên cửa hình bán nguyệt của nhà thờ Sistine, và trên mô hình cây thánh giá có hình chúa Giêsu trong nhà thờ Santo Spirito ở Florence.
"Bức hoạ Pietà ở Marcialla rất quan trọng để hiểu được sự phát triển tài năng của Michelangelo, bởi nó bao gồm 2 nhân vật cầm thánh giá đứng 2 bên, từng là trộm cướp và đã được cải hoá thành thánh do lòng từ bi của chúa Giêsu. Điều này thể hiện bản chất tham vọng và suy nghĩ ẩn sâu bên trong của hoạ sĩ", Schoen nói.
Michelangelo có thể đã vẽ bức hoạ sau sự sụp đổ của dòng họ Medici vào tháng 1/1494. Khi đó hoạ sĩ đã buộc phải chuyển tới Florence. Theo lời kể của dân địa phương, ông đã đến trú ẩn tại Marcialla, với sự bao bọc của các thầy tu.
M.T.