navigation

Bụi vũ trụ 4,6 tỷ năm tuổi phủ trên nóc nhà châu Âu

Các nhà khoa học lần đầu tiên sàng lọc được 500 hạt bụi vũ trụ có nguồn gốc từ sự hình thành hệ Mặt Trời cách đây 4,6 tỷ năm trong lớp bùn đất mắc kẹt trên mái nhà ở Pháp, Đức và Na Uy.

Bụi vũ trụ có nguồn gốc từ sự hình thành hệ Mặt Trời cách đây 4,6 tỷ năm vừa được phát hiện trên nóc nhà tại ba thành phố lớn ở Pháp, Đức và Na Uy, New Scientist hôm 6/12 đưa tin. Đây là lần đầu tiên chúng được thu thập từ bụi trong thành phố.

Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc 300kg bùn đất mắc kẹt trong rãnh mái nhà ở ba thành phố Paris, Berlin và Oslo. Sau khi sử dụng nam châm để hút các mảnh nhỏ chứa khoáng chất từ tính, họ xác định được tổng cộng 500 hạt bụi vũ trụ.


Bụi vũ trụ được tìm thấy tại ba thành phố lớn ở châu Âu. (Ảnh minh họa: Charles Platiau/Reuters).

"Các nhà khoa học từ những năm 1940 đã khẳng định việc bụi vũ trụ liên tục rơi xuống bầu khí quyển của chúng ta. Tuy nhiên, họ cho rằng không thể phân biệt chúng trong hàng triệu hạt bụi trên Trái Đất, ngoại trừ tại môi trường hầu như không có bụi ở Nam Cực hay sâu dưới đại dương", Matthew Genge, làm việc tại Đại học Imperial College London, cho biết.

Bụi vũ trụ trong thành phố có đường kính 0,3mm, trong khi các hạt được tìm thấy trước đây chỉ khoảng 0,1mm. Theo Genge, khác biệt này là do sự thay đổi trong quỹ đạo của các hành tinh như Trái Đất và sao Hỏa khiến lực hấp dẫn bị nhiễu loạn, từ đó ảnh hưởng đến quỹ đạo của các hạt trong không gian. Điều này có thể tác động tới tốc độ khi chúng lao vào bầu khí quyển Trái Đất.

Nghiên cứu cho thấy bụi vũ trụ trong thành phố có tốc độ di chuyển vào khí quyển là 12km/s, nhanh nhất trong số các hạt bụi từng được tìm thấy trên Trái Đất.

"Phát hiện này rất quan trọng bởi chúng ta cần tìm hiểu cách hạt bụi thay đổi trước lực hấp dẫn liên tục của các hành tinh, từ đó tái tạo lịch sử địa chất của hệ Mặt Trời", Genge nhận xét.

Cập nhật: 08/12/2016 Theo VnExpress